Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại Lễ tốt nghiệp khoá V, Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng trời chuyển đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá!

Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ: Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần xắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác…

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Ba năm sau, giữa thủ đô Hà Nội đang vào xuân, câu chuyện có thêm một đoạn mới. Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô tập trung tại Uỷ ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp đến giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch, một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu.

Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu trước.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Người ngồi đó với cây chì đỏ 

Vạch đường đi từng phút từng giờ

Những câu chuyện về Bác đọng lại trong ta đôi điều suy nghĩ và tự soi rọi lại mình. Thực hiện cuộc vận động của Đảng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, đảng viên ai cũng có suy nghĩ và nguyện học theo Bác, song thực trạng hiện nay trong việc chấp hành giờ giấc, phần nhiều công chức, viên chức không sử dụng hết quĩ thời gian vào việc công, chính điều đó dẫn đến tình trạng nhiều người làm nhưng công việc thì vẫn tồn đọng, hiệu quả không cao và điều đáng suy ngẫm nhất là người dân đang trông chờ từng ngày, từng giờ để được xem xét giải quyết nguyện vọng của mình. Điều đó phải chăng chúng ta học Bác chưa phải xuất phát từ tính tự giác và trong cái tâm của mình, học theo Bác nhưng chúng ta chưa thật sự làm theo Bác, dù là việc nhỏ nhất.

Ở mỗi cương vị công tác, chúng ta đều có thể rút ra bài học cho chính mình, khi học theo bác: Thẩm phán, Thư ký đến chậm 10 phút thì cả Hội đồng xét xử, cả phiên xử hàng chục người phải chờ, lãng phí thời gian, làm ảnh hưởng đến kế hoạch làm việc của những người khác và nề nếp của cơ quan; cán bộ đến họp chậm làm mọi người phải chờ,... Một mình mình làm nhiều người bị mất thời giờ là thiếu tôn trọng người khác.

Qua những mẫu chuyện về Bác nêu trên cho chúng ta bài học về “tiết kiệm thời gian”. Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm tiền của, công sức của nhân dân, sử dụng có khoa học nhất quỹ thời gian và làm việc với cái tâm thì chắc chắn yêu cầu của người dân sẽ được giải quyết sớm hơn, mang lại công lý một cách kịp thời, trả lại sự công bằng vốn có của pháp luật, có như thế lòng tin của nhân dân đối với “công bộc của dân” ngày thêm vững.

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật Bác, mong rằng mỗi công chức, viên chức và người lao động Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau hãy phấn đấu học tập theo Bác qua những việc làm cụ thể: Chấp hành đúng giờ giấc làm việc, khi làm việc hãy tận tâm tận lực, tập trung vào công việc ở mức độ cao nhất, tận dụng mọi thời gian để học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

                                                               Hà Thanh Hùng