I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Là việc sử dụng những hình thức khác nhau tác động một cách có hệ thống và thường xuyên đến ý thức của con người nhằm trang bị những kiến thức pháp lý nhất định để từ đó họ có những nhận thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng pháp luật và tự giác xử sự theo, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân là chủ và dân làm chủ. Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, toàn thể cán bộ và nhân dân sống, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác lập pháp, đồng thời cũng rất chú trọng đưa pháp luật vào trong cuộc sống. Để đưa được pháp luật vào cuộc sống thì cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bởi vì, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền; là một bộ phận của công tác giáo dục; là khâu then chốt, quan trọng để pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Do đó, “Việc công bố đạo luật chưa phải đã xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài đến mọi người dân thì mới thực hiện tốt được”. Điều đó có nghĩa là cần phải nâng cao sự hiểu biết và năng lực sử dụng pháp luật của người dân, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật trong nhân dân và phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được quan tâm và được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy TAND tỉnh Cà Mau, Chi bộ Văn phòng xây dựng chuyên đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” nêu cao tinh thần trách nhiệm về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong chi bộ, đơn vị. Đồng thời cũng đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đảng viên và chi bộ đối với tầng lớp nhân dân.

II- THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG CHI BỘ VĂN PHÒNG

1. Những kết quả đạt được

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải gắn với thực tiễn, hiểu rõ đối tượng, từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của họ. Việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách cũng phải có những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp, gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt, không nên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hình thức áp đặt mà phải sử dụng đa dạng các hình thức thông tin phản hồi từ cơ sở, coi trọng ý kiến của quần chúng Nhân dân. Thông tin phản hồi được thu nhận qua nhiều hình thức như: đối thoại, trao đổi, phê bình, góp ý… Thông qua các hình thức đó giúp cho các đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nắm vững, hiểu rõ pháp luật của Nhà nước, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội khác.

Ngoài ra, để vận dụng tư tưởng của Người vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Văn phòng là một bộ phận giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau thường xuyên tiếp xúc với người dân, các cơ quan, đơn vị, ban ngành nên đã triển khai thực hiện trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng cụ thể như:

Nội dung: Tuyên truyền chủ yếu Bộ Luật hình sự; Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Lao động; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật giao thông đường bộ; Luật phòng, chống tác hại rượu bia; Pháp luật về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc...); an toàn thực phẩm, phòng chống mê tín dị đoan, bảo vệ môi trường, hợp đồng góp hụi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,...

Hình thức: tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải; thông qua công tác xét xử, thông qua công tác công khai bản án, quyết định; thông qua trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau; các cuộc hội nghị, họp giao ban; thông qua các lượt tiếp công dân; thông qua các cuộc thi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Tỉnh tổ chức.

Thời gian qua Chi ủy cùng các đảng viên trong Chi bộ Văn phòng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo đúng quan điểm, quy trình, nguyên tắc. Thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Thông qua nội dung chuyên đề sinh hoạt tại Chi bộ đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật”. Đồng thời yêu cầu đảng viên của Chi bộ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi đảng viên, công chức, người lao động cần đề ra những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Chi bộ, cơ quan ngày càng trong sạch vững mạnh.

2. Tồn tại, hạn chế

Thời gian qua, do khối lượng công việc nhiều, đảng viên trong Chi bộ chưa giành nhiều thời gian để nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

III- MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong Chi bộ Văn phòng, đảng viên trong chi bộ cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo theo chủ trương lấy người dân làm trung tâm. Sau khi thực hiện phải có đánh giá hiệu quả theo hướng lấy ý thức chấp hành pháp luật làm thước đo hiệu quả công tác PBGDPL theo tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư.

Thứ hai, nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần bám sát nhu cầu người dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đồng thời tùy từng đối tượng mà đòi hỏi việc tuyên truyền, phổ biến phải có những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp, gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng cung cấp thông tin pháp luật trên Trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến để tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên học tập nghiên cứu, chủ động tìm hiểu pháp luật.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần thực hiện một cách kiên trì, lâu dài, có như vậy, giúp người dân hiểu biết pháp luật, từ đó tin tưởng, chủ động áp dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Thứ tư, phòng tiếp công dân cần trang bị thêm kệ sách pháp luật để phục vụ nhân dân.

Thứ năm, để có kiến thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thì mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tự giác học tập, nghiên cứu, có kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật tốt, cần phải có đạo đức tốt, uy tín với Nhân dân để là tấm gương cho người dân noi theo trong việc tìm hiểu, tuân theo pháp luật và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NỘI DUNG SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ III

1. Ưu điểm: Về cơ bản Văn phòng đã thực hiện tốt công tác di dời, chuyển về trụ sở mới theo kế hoạch đã đề ra. Chi bộ Văn phòng nói riêng và tập thể Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau nói chung đã và đang hoàn thiện về cơ sở vật chất phục vụ công việc đi vào ổn định, nề nếp.

2. Hạn chế: Do mới di dời trụ sở, hệ thống điện, mạng wifi chưa ổn định nên trong

công việc còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó cán bộ, công chức và người lao động phải sắp xếp lại phòng làm việc nên đôi khi chưa tập trung vào công việc chuyên môn.

V. KẾT LUẬN

Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện trách nhiệm của đảng viên.

Căn cứ vào chức trách nhiệm vụ được giao, đề nghị các đảng viên trong chi bộ triển khai thực hiện đạt hiệu quả theo nội dung chuyên đề đề ra.

Chi bộ Văn phòng