Tinh thần trách nhiệm trong công việc là một trong những nguyên tắc làm việc cơ bản phải có nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì tinh thần trách nhiệm là thái độ làm việc đúng đắn giúp mọi người đạt được các lợi ích không chỉ riêng mỗi cá nhân mà còn giúp xây dựng đội ngũ làm việc tích cực và hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta - là một mẫu mực về tinh thần làm việc trách nhiệm, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người định nghĩa về tinh thần trách nhiệm bằng những từ ngữ rất giản dị, dễ hiểu: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”, là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”. Người yêu cầu, nhắc nhở, bất kỳ ai, dù ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm; “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.

Trong công việc, mỗi người chúng ta đều giữ một vị trí, vai trò nhất định ở cơ quan, đơn vị; do vậy, phải có trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị mà mình là thành viên. Trách nhiệm chính là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Nó được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy định, quy chế, thỏa thuận, nội quy của cơ quan, đơn vị. Nhận thức được tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm, Chi bộ Văn phòng quyết định chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề Quý II – Năm 2021 về thực hiện học tập theo Bác phong cách “Tinh thần trách nhiệm trong công việc”.

NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ:

1. Phong cách “Làm việc có trách nhiệm” của Hồ Chí Minh

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, từ thực tiễn đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, dự báo được chiều hướng phát triển của tình hình, Người rất chú ý đến việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong nhiều bài viết gửi các cấp chính quyền, Người yêu cầu xây dựng các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng, xã phải là “công bộc” của dân, Chính phủ phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh; phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, phải chú ý giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, lên án những căn bệnh, như cậy thế, tư túng, óc bè phái, kiêu ngạo,… đang ngự trị trong đầu óc của không ít cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ.

Khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc, trở thành động lực để Chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân, hành động, làm việc một cách tự giác, tự nhiên, không vì danh lợi, thành tích hay sự ca ngợi nào. Được cống hiến, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với Người là nguồn vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tinh thần trách nhiệm đó xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc, tâm trong sáng, tình thương yêu con người vô hạn. Trong Di chúc, Người viết:“Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, gương mẫu trong mọi việc. Phương châm xử lý, giải quyết công việc của Người là “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”, không để cảm xúc, tình cảm cá nhân xen vào công việc. Muốn thực hiện được điều này, theo Người, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, làm cho con người không giữ được mình, không vì lợi ích chung để giải quyết công việc, kém tinh thần trách nhiệm, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân, của gia đình, phe nhóm mình. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của đạo đức cách mạng. Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trước hết phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi con người là chủ nghĩa cá nhân.

Phong cách, tinh thần làm việc trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói gắn liền với làm, không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, làm không như nói. Đây là một đặc điểm nổi bật trong phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên nhìn thấy ở Người phẩm chất, phong cách của một lãnh tụ hành động, một tấm gương có sức cảm hóa, thuyết phục đối với tất cả mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm đúng như những gì Người nói:“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và chính Người đã trở thành một tấm gương sống mẫu mực, sáng ngời về đạo đức, nhân cách, tài năng, kết tinh những giá trị, phẩm chất tốt đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm giá, lương tâm, trí tuệ của con người Việt Nam.

2. Chi bộ Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau học theo phong cách “Làm việc với tinh thần trách nhiệm” của Hồ Chí Minh

Để làm tốt việc xây dựng phong cách“Làm việc với tinh thần trách nhiệm” và thực hiện tốt Nghị quyết về phương hướng, mục tiêu trong năm 2021. Chi bộ Văn phòng xác định trong thời gian tới đảng viên trong Chi bộ cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, học tập tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của Bác cần xuất phát từ tinh thần tự giác, sự thôi thúc của con tim, từ danh dự và lương tâm của chính bản thân mỗi người. Làm việc với một niềm hăng say, phấn khởi, tin tưởng, hạnh phúc, với mong muốn được cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình là thành viên, rộng hơn là của xã hội, đất nước, chứ không phải vì danh lợi, chạy theo thành tích. Cần nhận thức rõ rằng, trở thành một cán bộ, công chức, một đảng viên là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn. Vinh dự, trách nhiệm đó đòi hỏi mỗi người cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công, giao phó. 

Hai là, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao, luôn coi trọng vấn đề hoàn thành đúng những gì mà cấp trên yêu cầu, khắc phục mọi khó khăn và nỗ lực bằng mọi cách để thực hiện. Không chối bỏ trách nhiệm mà sẵn sàng gánh vác nếu công việc không đạt hiệu quả như mong muốn. Người cán bộ, đảng viên trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trước. Lợi ích của cá nhân, của bộ phận, của giai cấp phải phục tùng và không được làm tổn hại đến lợi ích dân tộc; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo,“dĩ bất biến ứng vạn biến” trong thực hiện nguyên tắc này.

Ba là, học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong một xã hội vận động và biến đổi nhanh chóng, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao về năng lực, chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với mỗi người cán bộ, đảng viên, công chức. Do vậy, để tránh tụt hậu, đáp ứng được yêu cầu của công việc, tiến tới có đủ năng lực làm việc được trong môi trường quốc tế, không có cách nào khác, mỗi người cần có tinh thần cầu thị, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ.

Đối với mỗi cá nhân, tinh thần trách nhiệm là ý thức mang lại lợi ích tích cực, được cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng giao phó công việc. Là yếu tố quan trọng giúp tạo dựng hình ảnh tốt đẹp để tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp.  Nhìn vào cách chúng ta giải quyết các công việc mà người lãnh đạo có thể khẳng định bạn làm việc có tinh thần trách nhiệm hay không. Tinh thần trách nhiệm có thể là đối với riêng mỗi cá nhân hay có thể là của cả tập thể người. Trong đó, bao gồm các tập thể lãnh đạo và từng cá nhân.

Thứ tư, đa số mọi người đều nghĩ rằng chỉ cần đi làm đúng giờ, tan làm đúng giờ, không đi muộn, không về sớm,… đã là có trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên, thực ra yêu cầu về trách nhiệm đối với công việc là không hề đơn giản như vậy. Đối với mỗi cá nhân tinh thần làm việc được xem là có trách nhiệm thể hiện ở những yếu tố sau:

Hoàn thành đúng mục tiêu đề ra: Trong lịch trình công việc tự đề ra cho mình bao gồm: Trình tự các việc, thời gian hoàn thành và đạt các mục tiêu nào… những yếu tố này sẽ hoàn thành đúng thời gian nếu bạn có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Chúng ta phải phân chia sao cho hợp lý và vừa phải để đảm bảo đúng hạn mà vẫn duy trì hiệu quả cao.

Không để lãng phí thời gian: Hãy quan sát xung quanh những người làm việc hiệu quả đa phần họ rất biết cách sử dụng quỹ thời gian của mình mà không để lãng phí dù chỉ một giây trôi qua. Với họ thời gian có được phải tận dụng tối đa và triệt để cho công việc và sắp xếp những việc khác hợp lý. Nên đôi khi sự bận rộn và tất bật là điều không tránh khỏi đối với người làm việc có tinh thần trách nhiệm.

Sắp xếp và quản lý công việc hiệu quả: Biết cách sắp xếp trình tự thực hiện cụ thể và phân chia phạm vi công việc. Bên cạnh đó, là theo dõi và quản lý sát sao công việc của mình, không để xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Kết nối với đồng nghiệp: Trong công việc các bộ phận sẽ có liên quan chặt chẽ đến nhau. Do đó, sự đoàn kết, thân thiện phối hợp làm việc để hoàn thành nhiệm vụ riêng và chung của cơ quan, đơn vị nên được coi là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

3. Kế hoạch thực hiện sinh hoạt chuyên đề năm 2021

Với việc lựa chọn chuyên đề sinh hoạt Quý 2 - Năm 2021, Chi bộ Văn phòng đề ra kế hoạch thực hiện sinh hoạt chuyên đề cho các quý còn lại trong năm 2021 như sau:

Quý 3/2021: Giao đồng chí Phạm Thị Tú Anh – Ủy viên BCH Chi bộ, thực hiện trong tháng 07/2021.

Quý 4/2021: Giao đồng chí Đỗ Thị Hồng Nhi – Đảng viên, thực hiện trong tháng 10/2021.

KẾT LUẬN:

Xây dựng tinh thần trách nhiệm không phải mang tính chuyên môn khoa học mà điểm trọng tâm từ ý thức của mỗi người. Người lãnh đạo, quản lý cần trực tiếp thực hiện, theo dõi và có những biện pháp mềm mỏng mới đánh thức sự tận tâm trong phương pháp làm việc. Không chỉ là mang đến sự áp lực để kiềm chế theo nguyên tắc chung mà đề cao tính tự nguyện của mọi người. Làm việc chểnh mảng hay cẩu thả là nguyên nhân khiến chúng ta bị đào thải. Thế nên, tinh thần trách nhiệm trong công việc là yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì công việc lâu dài. Do vậy, mỗi cá nhân hãy tự ý thức xây dựng cho mình phương pháp làm việc chuyên nghiệp mang lại giá trị cao trong công việc.

Học tập phong cách“Tinh thần trách nhiệm trong công việc” của Bác có ý nghĩa thiết thực và cũng là yêu cầu trong việc thực hiện cải cách hành chính nói chung, cải cách tư pháp nói riêng, từ đó giúp cho từng đảng viên, công chức, người lao động và tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chi bộ Văn phòng