Quang cảnh buổi sinh hoạt

I. Sự cần thiết phải nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con người, sự nghiệp trồng người. Người rất coi trọng phương thức “nêu gương”, tác dụng nêu gương giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đạo đức xã hội. Trước hết là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Bởi, theo Người “một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”.

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn được Đảng ta chú trọng lãnh đạo thực hiện. Nhiều nghị quyết của Đảng đã đề cập đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Cụ thể hóa các nghị quyết, Đảng ta đã ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương. Và để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm.

Người đứng đầu phải là người thực hành nêu gương đầu tiên, thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm trong công tác; về tự phê bình và phê bình; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Nêu gương không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là lời nói, mà người đứng đầu phải nói đi đôi với làm trong thực hiện nêu gương. Sự gương mẫu trong lời nói và hành động của người đứng đầu là mệnh lệnh không lời để thuyết phục cấp dưới noi theo. Nói đi đôi với làm không chỉ thể hiện bằng kết quả công việc (thước đo sự cống hiến của mỗi người) với những sản phẩm cụ thể mà còn là biểu hiện của sự gương mẫu, tính trung thực, sự trong sáng của người đứng đầu. Mặt khác, khi người đứng đầu nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ có tác động tích cực đến các hoạt động của đơn vị. Ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định với việc thực hiện nêu gương của cả tập thể đơn vị đó. Nơi nào người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiên phong gương mẫu thì nơi đó việc thực hiện nêu gương đi vào thực chất, hiệu quả.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước công việc và trách nhiệm nêu gươngtheo lời Bác dạy trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Vì đây là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng, cốt lõi để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng có ý nghĩa quyết định để đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cũng là yêu cầu tất yếu để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi lại bản thân về kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

II. Thực tiễn thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu tại Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng.

1. Những mặt làm được:

Trên cơ sở Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp… đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo. Quy định này nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần tích cực nêu gương trong 7 nội dung: về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật và về đoàn kết nội bộ.

Thực hiện theo tinh thần của quy định, thời gian qua, Đảng ủy Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau nói chung và Chi bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng nói riêng đã thực hiện khá tốt về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đơn vị luôn cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thường xuyên tổ chức kiểm điểm phê bình và tự phê bình; “ tự soi”, “ tự sửa”, “ tự nhận diện”; xây dựng phong cách, tác phong làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2019, tập thể Chi bộ và 01 đảng viên được Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Chính đảng tỉnh Cà Mau tặng Giấy khen đã có thành tích tiêu biểu, điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 Là bộ phận tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo cơ quan về công tác tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng trong Tòa án nhân dân hai cấp. Mặc dù, hiện nay Phòng TCCB,TT&TĐKT khuyết Trưởng phòng, giao quyền phụ trách phòng cho đồng chí Phó trưởng phòng; tuy nhiên, nhận thức được vai trò, trách nhiệm mình, từng cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là đồng chí Phụ trách phòng luôn  nắm bắt và chủ động tham mưu cho lãnh đạo công việc của Phòng đạt hiệu quả và đúng quy định, từ công tác quản lý cán bộ, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác thi đua khen thưởng, xử lý cán bộ, công chức có vi phạm. Ngoài ra, Phòng đã Tham mưu cho lãnh đạo triển khai thực hiện tốt Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia về thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; Quyết định số 1253/QĐ –TANDTC ngày 18/9/2008 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân; Chỉ thị số 05/2020/CT-CA ngày 28/7/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong Tòa án nhân dân; Thành lập Tổ kiểm tra công vụ tại Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau thực hiện kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực thi công vụ của của cán bộ, công chức, người lao động thuộc Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau nói chung, Chi bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng nói riêng. Qua đó, từng bước chấn chỉnh lề lối làm việc, tiếp tục thi đua hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

2. Những mặt còn hạn chế:

Bên cạnh những mặt đạt được, Phòng còn có những hạn chế thiếu sót nhất định như: Cán bộ, đảng viên đơn vị còn kiêm nhiệm nhiều vai trò trong công tác khác, số lượng công việc nhiều nên đôi lúc chưa sâu sát. Một số ít cán bộ, đảng viên chưa thực sự trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy với công việc được giao; còn có nhận thức cho rằng công việc, nhiệm vụ được giao là đơn giản, không phức tạp dẫn đến thiếu sót; bố trí, sắp xếp thời gian thực hiện công việc còn chưa hợp lý, chưa khoa học, chưa chủ động; chưa phát huy tính sáng tạo trong thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ từng lúc còn chưa thật sự nghiêm túc.

3. Giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

- Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “ Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “ Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” gắn với đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM.

- Hai là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động Tòa án nhân dân hai cấp nói chung, cán bộ, đảng viên trong Chi bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh Tra và Thi đua khen thưởng nói riêng thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của đảng và pháp luật nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 05/2020/CT-CA ngày 28/7/2020 của Chánh án TAND tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong Tòa án nhân dân.

- Ba là, đảng viên, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; nâng cao chất lượng công tác tham mưu theo từng lĩnh vực phụ trách, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

- Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, lãnh đạo đơn vị trong công tác tự kiểm tra đối với cán bộ công chức thuộc quyền quản lý; kịp thời chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ, công chức và người lao động trong Tòa án nhân dân hai cấp nói chung, đảng viên trong Chi bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh Tra và Thi đua khen thưởng nói riêng; gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

- Năm là, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong Tòa án nhân dân để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với cơ quan, đơn vị, công chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra công chức, người lao động thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi vi phạm. 

Qua chuyên đề sinh hoạt lần này mong rằng mỗi cán bộ, mỗi đảng viên cần nghiêm túc tự nhìn nhận, soi xét và  nhận thức được tính tiên phong, gương mẫu và phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực, tiên phong về chính trị tư tưởng, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao./.

Chi bộ Phòng TCCB, TT & TĐKT