Quang cảnh buổi sinh hoạt

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo cho lợi ích và hạnh phúc của Nhân dân, đồng thời quan tâm đến việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”. Bài học “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có giá trị sâu sắc trong quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cũng như phát triển sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hiện nay, xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, phục vụ, công khai minh bạch, vì dân mà khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, hoạt động minh bạch, liêm chính, có trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng song song với thực hiện nhiệm vụ xét xử. Vì lẽ đó, Chi bộ Văn phòng lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề quý III/ năm 2020 về thực hiện học tập theo Bác phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” nhằm góp phần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, phục vụ của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau.

NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ:

1. Thực hiện phương châm gần dân, sâu sát dân và phục vụ nhân dân

Thấm nhuần lời Bác dạy năm xưa đối với Tòa án nhân dân phải “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, thời gian qua, Đảng ủy và lãnh đạo TAND tỉnh Cà Mau luôn quan tâm, thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai những quy định sự chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để mỗi cán bộ, đảng viên phải tuân thủ khi thực thi công vụ, đặc biệt là khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân phù hợp với đặc điểm hoạt động của Tòa án gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của bộ phận Văn phòng, được xem như là “hình ảnh” của đơn vị, là nơi thường xuyên tiếp xúc nhân dân, với các cơ quan tổ chức. Chi bộ Văn phòng với phương châm, hướng về dân, gần dân, sâu sát dân và luôn trong tư thế phục vụ nhân dân đã được quán triệt triển khai thực hiện trong toàn Chi bộ, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực: Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong Chi bộ đã có ý thức thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; thực hiện tác phong phục vụ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; quan hệ giao tiếp, thái độ ứng xử với nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Chi bộ Văn phòng cũng đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp, dân chủ, công khai, minh bạch; tuyệt đối không có những hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho công dân và tổ chức trong quan hệ công tác; mỗi cán bộ đảng viên, công chức và người lao động trong Chi bộ ở từng vị trí công tác của mình luôn cố gắng gương mẫu trong rèn luyện đạo đức, tác phong chuẩn mực khi tiếp xúc với nhân dân trong thực thi công vụ.

2. Phong cách trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân

Lãnh đạo TAND tỉnh thường xuyên quán triệt đến từng công chức, người lao động, đặc biệt là Thẩm phán Tòa án hai cấp phải thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân". Tại Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh, ngay từ khâu tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện, đơn thư khiếu nại về tư pháp, công chức tiếp nhận đơn và Thẩm phán luôn nêu cao tinh thần vì nhân dân, thể hiện ở sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, xem xét nội dung đơn một cách toàn diện, không qua loa đại khái, cẩu thả ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân, luôn tìm cách xử lý khoa học để không làm tốn thời gian, công sức đi lại của người dân. Hiểu được hoạt động xét xử của Tòa án muốn được nhân dân đồng tình ủng hộ, không có cách nào khác là phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Một mặt, cán bộ, đảng viên phải dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân để nhân dân giúp đỡ, tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả. Mặt khác, gần dân, giúp dân để tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho nhân dân, giúp họ tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, đồng tình và ủng hộ với những quyết định của Tòa án.

Trong công tác tiếp công dân, giao tiếp với nhân dân, đảng viên, công chức Tòa án phải luôn thể hiện phong cách ứng xử có văn hóa, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người dân; tận tình hướng dẫn để công dân thực hiện quyền của mình đúng quy định của pháp luật; thận trọng, khách quan khi tiến hành xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu... Đặc biệt, không để xảy ra hành vi sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi đến liên hệ công việc. Qua đó, Chi bộ Văn phòng đã phần nào thay đổi được những hình ảnh tích cực của người dân về cán bộ, công chức Tòa án.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận đó, Chi bộ Văn phòng trong thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những hạn chế như: Quá trình làm việc với người dân, có công chức còn chưa hết lòng, hết sức, chưa thấu hiểu hết khó khăn của người dân để có cách xử lý công việc khoa học, gây tốn kém về công sức, thời gian và tiền bạc đi lại của người dân.

Tác phong, lề lối, thái độ làm việc của một số ít cán bộ công chức chưa được nâng cao, đôi khi giao tiếp chưa thật sự nhã nhặn với người dân trong thực thi công vụ; tác phong làm việc chưa khoa học, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa được đảm bảo. Chi ủy Văn phòng và tập thể Lãnh đạo Văn phòng đôi lúc cũng chưa kịp thời trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong đơn vị và chưa kịp thời nhắc nhở, uốn nắn cán bộ, công chức có sai sót…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, tất cả đảng viên, công chức và người lao động phải cố gắng phấn đấu, không ngừng học tập để nâng cao năng lực, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức lối sống và phải luôn nhớ vai trò, vị trí của mình là công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Người cán bộ, công chức, đảng viên phải có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, giữ thái độ hòa nhã, thân thiện khi tiếp xúc với nhân dân, làm việc công tâm, khách quan, tất cả vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, xây dựng Chi bộ vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Thực hiện tốt lời răn dạy của Bác: "Cán bộ, đảng viên là người đầy tớ trung thành của nhân dân...", vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu.

3. Các giải pháp thực hiện trong Chi bộ Văn phòng

Để làm tốt việc xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, Chi bộ Văn phòng xác định, trong thời gian tới cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động trực thuộc Chi bộ Văn phòng cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động thuộc Chi bộ luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình. Người cán bộ, đảng viên không ngại khó khăn, gian khổ, tiên phong trên tất cả các lĩnh vực, làm gương trong mọi hành động, không ngừng rèn luyện phẩm chất: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Đối với bản thân, không tự cao, tự đại, kiêu ngạo mà phải luôn học tập, cầu tiến, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình để làm điều hay, sửa đổi cái chưa tốt của bản thân. Đối với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân phải luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, hòa nhã, đoàn kết. Đối với nhiệm vụ được giao, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “để việc công lên trước việc tư”, đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực, và “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Quyết tâm học tập và làm theo phong cách vì dân, trọng dân, gần dân của Bác Hồ để không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên, cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Hai là, cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động của Chi bộ, đặc biệt là  người đứng đầu (Bí thư Chi bộ, lãnh đạo Văn phòng) phải luôn gần dân, sâu sát với dân, nắm bắt được nguyện vọng của quần chúng nhân dân; Rèn luyện cách nói, cách viết, cách làm việc, cách lãnh đạo cho phù hợp, biết phát huy vai trò của tập thể, phải luôn ghi nhớ phương châm “gần dân, trọng dân và phục vụ nhân dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu và đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân”.

Ba là, quá trình xây dựng và thực hiện mọi kế hoạch công tác, cán bộ, đảng viên, công chức phải nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ; Phải động viên và phát huy được mọi tiềm năng, sức mạnh của quần chúng.

Bản thân mọi cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động phải không ngừng tự trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, nâng cao trình độ công nghệ thông tin để tìm tòi các ứng dụng để phục vụ cho người dân tốt hơn khi đến liên hệ làm việc với Tòa án.

Bốn là, cán bộ, đảng viên, công chức trong Chi bộ phải luôn luôn gương mẫu trong công tác cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày nhất là cán bộ, đảng viên với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý phải là người tiên phong, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh “Nói đi đôi với làm”, thống nhất lời nói với hành động, thực hiện lý luận gắn với thực tiễn lãnh đạo, quản lý.

KẾT LUẬN:

Vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” của Bác Hồ, đó là bổn phận, là danh dự của người cán bộ, đảng viên. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ, đảng viên, công chức “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ Tòa án, góp phần xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh, thân thiện, phục vụ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chi bộ Văn phòng