Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

I. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng trong công tác tham mưu đánh giá, xếp loại công chức và xét khen thưởng.

1. Công tác đánh giá xếp loại và xét khen thưởng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Vì thế, Đảng tiếp tục làm tốt công tác cán bộ: Từ việc xem xét, đánh giá đúng cán bộ, đến đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, sử dụng và đãi ngộ cán bộ.

Về đánh giá cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải hiểu biết và đánh giá đúng cán bộ cả về đức và tài, về trình độ năng lực của mỗi cán bộ. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, dễ gặp vướng mắc nhất nên không thể tùy tiện. Muốn vậy, công tác xem xét, đánh giá cán bộ phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả, chất lượng công việc làm nền tảng. Người luôn nhắc nhở: Cán bộ Lãnh đạo, quản lý khi xem xét, đánh giá cán bộ phải công tâm, tránh bệnh tự cao, tự đại, ưa nịnh hót, hoặc cảm tính, yêu ghét xuất phát từ lợi ích của người đánh giá; phải có phương pháp khách quan, toàn diện, xem xét cả quá trình phát triển của cán bộ. 

Về công tác thi đua khen thưởng, theo Hồ Chí Minh: Thi đua yêu nước là cái cốt lõi để kháng chiến thành công, để đất nước phát triển. Trải nghiệm qua quá trình lịch sử dân tộc, Người đã tin tưởng và khẳng định: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta”. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Theo Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”. Về nội dung của thi đua, Người đã nhấn mạnh: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. Người căn dặn: Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững, phải có kế hoạch tỷ mỷ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Mặt khác, trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi. Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Về phương pháp của thi đua, Người yêu cầu, phải kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ.

2. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong đánh giá, xếp loại công chức và xét khen thưởng.

Công tác tổ chức cán bộ là công tác giữ vai trò quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Đảng đã có chủ trương và Nhà nước đã thể chế hóa thành những quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, công tác nhận xét, đánh giá công chức là khâu công tác quan trọng, đầu tiên của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ; giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ. Thực tế cho thấy, chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển đối với cán bộ một cách chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, thiên lệch, không đúng phẩm chất, năng lực cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khó lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.

Công tác thi đua, khen thưởng cũng là một nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị được duy trì ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. Thông qua thi đua, khen thưởng mà phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của con người và những thành tựu, kinh nghiệm điển hình, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thúc đẩy phong trào phát triển đi lên. Công tác thi đua,  khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng, là biện pháp để người quản lý thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chính trị của cơ quan nhằm khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Mục đích của việc thi đua - khen thưởng là nhằm động viên, giáo dục, nêu gương, để sau khi được biểu dương, khen thưởng, tập thể, cá nhân được khen phát huy tính tích cực trong công việc được giao; người chưa được khen cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới và đạt được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan đề ra. Vì vậy việc tổ chức các phong trào thi đua và xét khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, có cách làm hay, sáng tạo trong công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao tạo động lực làm việc cho cán bộ công chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

II. Thực tiễn công tác tham mưu trong đánh giá, xếp loại công chức và xét khen thưởng năm 2019.

1. Kết quả đạt được

Với chức năng và nhiệm vụ được giao là tham mưu cho Lãnh đạo trong việc thực hiệc công tác đánh giá, phân loại công chức và tham mưu Hội đồng Thi đua – Khen thưởng trong công tác thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau; trong năm, Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng đã nghiên cứu, bám sát văn bản của Tòa án tối cao, của địa phương quy định về công tác đánh giá, xếp loại công chức và về công tác thi đua khen thưởng để tham mưu cho Lãnh đạo và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng kịp thời triển khai, hướng dẫn Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau thực hiện đúng quy định. Cụ thể:

* Đối với công tác tham mưu trong đánh giá, xếp loại công chức:

Đầu năm 2019, Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng đã tham mưu cho Lãnh đạo thành lập và tổ chức Đoàn kiểm tra Tòa án tỉnh để kiểm tra công tác chuyên môn và một số mặt công tác khác (trong đó có công tác đánh giá, xếp loại công chức; kê khai tài sản thu nhập của công chức năm 2018). Qua công tác kiểm tra, Đoàn đã rút kinh nghiệm một số thiếu sót trong công tác đánh giá, xếp loại công chức năm 2018 và đề nghị năm 2019 và những năm tiếp theo các đơn vị thực hiện nghiêm túc và đúng quy định công tác này.

Ngoài ra, để thực hiện đúng quy định của Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân được ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TANDTC ngày 02/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao, Phòng TCCB, TT & TĐKT cũng đã tham mưu cho Lãnh đạo ban hành Công văn số 740/TA-TCCB, TT & TĐTT ngày 11/11/2019 về việc đánh giá, phân loại công chức năm 2019 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị Tòa, Phòng, Văn phòng Tòa án tỉnh và Chánh án Tòa án cấp huyện thuộc tỉnh triển khai thực hiện.

Đã qua, đơn vị Phòng TCCB, TT & TĐKT đã thực hiện việc đánh giá, xếp loại công chức thông qua hình thức đánh giá, xếp loại hàng tháng tại cuộc họp Chi bộ và Phòng nhằm làm cơ sở đánh giá, xếp loại công chức cuối năm. Việc thực hiện đánh giá, xếp loại như trên không chỉ giúp cho công chức cố gắng thực hiện nhiệm vụ trong công tác mà còn giúp Lãnh đạo Phòng biết được những công việc trong tháng mà công chức đó thực hiện, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém của công chức ở từng khâu trong công tác nhằm uốn nắn kịp thời để công chức sửa chữa, khắc phục khuyết điểm đảm bảo các tháng tiếp theo thực hiện công việc được tốt hơn.

* Đối với công tác tham mưu trong thi đua khen thưởng

Ngay từ đầu năm Phòng TCCB, TT & TĐKT Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã tham mưu cho Lãnh đạo xây dựng và ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua trong năm và triển khai các văn bản có liên quan trong Tòa án nhân dân hai cấp thực hiện đúng quy định. Cụ thể: Tham mưu cho Lãnh đạo xây dựng, ban hành Kế hoạch số 01/KH-TA ngày 02/01/2019 về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác tại Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau năm 2019; Xây dựng Kế hoạch số 53/TA- TĐKT ngày 22/01/2019 phát động phong trào thi đua năm 2019; Kế hoạch số 202/TA-TĐKT ngày 05/4/2019 phát động phong trào thi đua ngắn hạn năm 2019; Kế hoạch số 203/TA-TĐKT ngày 05/4/2019 phát động phong trào thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, Công văn số 08/TANDTC-TĐKT ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thi đua khen thưởng TAND tối cao về phát động phong trào thi đua năm 2019 đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Tòa án nhân dân hai cấp.

Tham mưu Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Sáng kiến ban hành hướng dẫn thủ tục đề nghị xét và công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Từ đầu năm 2019 đến nay đã báo cáo, đề xuất, tham mưu Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Sáng kiến xét và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận 04 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đối với công chức và người lao động thuộc Tòa án hai cấp.

Đối với phong trào thi đua ngắn hạn đợt 1 năm 2019 và Phong trào thi đua Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 đã tổ chức sơ kết đạt kết quả như sau: Giấy khen ngắn hạn đợt 1/2019: 01 tập thể, 46 cá nhân; Giấy khen giải quyết án: 03 tập thể, 10 cá nhân; Giấy khen đột xuất: 02 tập thể; Giấy khen có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: 02 tập thể và 05 cá nhân. Từ nay đến cuối năm nhiệm vụ của Phòng là tham mưu cho Hội đồng Thi đua khen thưởng TAND hai cấp xét khen thưởng ngắn hạn đợt 2/2019 và xét thi đua năm 2019.

2. Hạn chế, khó khăn trong công tác tham mưu đánh giá, xếp loại công chức và xét khen thưởng

Công tác tham mưu của Phòng trong công tác đánh giá, xếp loại công chức và xét khen thưởng đã có những chuyển biến tích cực, cụ thể: Có tham mưu triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị để chỉ ra những sai sót nhằm rút kinh nghiệm chấn chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác tham mưu tại đơn vị cũng còn có những hạn chế và khó khăn như:

- Đánh giá, xếp loại công chức để làm nền tảng xét Thi đua – Khen thưởng, tuy nhiên văn bản quy định về việc đánh giá, xếp loại và xét khen thưởng không đồng nhất, cụ thể: Quy định thời gian xét khen thưởng gửi về Cụm Thi đua trước thời gian đánh giá, xếp loại công chức.

- Hiện nay, việc đánh giá, xếp loại công chức cấp huyện do Chánh án cấp huyện đánh giá, xếp loại (trừ Chánh án cấp huyện); đánh giá, xếp loại Chánh án cấp huyện và công chức cấp tỉnh do Chánh án tỉnh đánh giá, xếp loại (trừ Chánh án tỉnh) trên cơ sở đề xuất của các đơn vị. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại của một vài Chánh án cấp huyện và việc đề xuất đánh giá, xếp loại của một vài đơn vị cấp tỉnh chưa sâu sát, còn nể nang, chưa sát với mức độ thực hiện nhiệm vụ của công chức hoặc quy trình và hồ sơ đánh giá, xếp loại thực hiện không đúng nên công tác tham mưu đánh giá, xếp loại của Phòng gặp nhiều khó khăn.

- Giữa cán bộ phụ trách đánh giá, xếp loại và cán bộ phụ trách Thi đua – Khen thưởng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu để tham mưu hiệu quả cho Lãnh đạo trong việc lấy kết quả đánh giá, xếp loại làm nền tảng xét khen thưởng.

III. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong đánh giá, xếp loại công chức và xét khen thưởng trong những năm tiếp theo

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu đánh giá, xếp loại công chức và xét khen thưởng trong những năm tiếp theo, cần tập trung:

- Người đứng đầu của các đơn vị Tòa án hai cấp cần nhận thức đúng đắn và nghiêm túc về trách nhiệm cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nhận xét, đánh giá, xếp loại và xét khen thưởng công chức.

- Người có thẩm quyền đánh giá, xếp loại và cán bộ tham mưu đánh giá, xếp loại công chức cần nắm vững văn bản quy định về việc đánh giá, xếp loại công chức. Đồng thời, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí làm việc của công chức yêu cầu công chức xây dựng kế hoạch thực nhiệm nhiệm vụ trong năm để làm cơ sở quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ phải thực chất, công tâm, vô tư, khách quan, không chỉ xem xét trong thời điểm, một thời gian ngắn mà phải xem xét trong cả quá trình để thấy được sự chuyển biến của cán bộ; phải kết hợp, theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ.

- Người có thẩm quyền khen thưởng và cán bộ phụ trách công tác thi đua khen thưởng cần nắm vững văn bản quy định về thi đua, khen thưởng. Đồng thời, phải căn cứ vào tiêu chuẩn, thành tích đạt được và phải dựa trên kết quả đánh giá, xếp loại công chức để xem xét khen thưởng. Xét khen thưởng phải đảm bảo đúng người, đúng thành tích, khách quan, công khai, công bằng, kịp thời theo đúng quy định tạo động lực để các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

- Cán bộ phụ trách đánh giá, xếp loại và cán bộ phụ trách Thi đua – Khen thưởng cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác tham mưu để tham mưu hiệu quả cho Lãnh đạo trong việc lấy kết quả đánh giá, xếp loại làm nền tảng xét khen thưởng.

IV. Kết luận:

Qua chuyên đề tập thể Chi bộ thấy được tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ, công chức và xét thi đua khen thưởng trong cơ quan, đơn vị. Mục tiêu, yêu cầu của việc đánh giá cán bộ, công chức và xét khen thưởng là hướng tới sự công bằng, khách quan và khoa học; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá cán bộ, công chức và xét khen thưởng, góp phần phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng ngày càng cao nhu cầu công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị./.