Vào một trưa mùa hè oi ả, khi chuẩn bị nghỉ trưa sau một buổi sáng hòa giải căng thẳng, bỗng có tiếng gõ cữa. Thẩm phán bước ra mở cửa, trước mặt là một người phụ nữ tầm 55-60 tuổi, dường như bà bị bệnh nên thân hình của bà nghiêng hẳn sang một bên, đứng một chỗ cũng rất khó khăn. Con trai của bà lên tiếng “Xin lỗi anh vì giờ này mà còn làm phiền anh nghỉ trưa”. Nhưng anh có thể cho mẹ tôi được gặp anh khoảng 30 phút được không? Vào giờ hành chính tôi bận công việc không thể đưa mẹ đến được. Biết anh nghỉ trưa tại cơ quan nên tôi và mẹ mạo muội đến đây. Nhìn thái độ khẩn thiết của hai mẹ con mà Thẩm phán không nỡ từ chối, mời họ vào phòng làm việc để tiếp chuyện.

Sau khi an vị, người phụ nữ mới bắt đầu kể. Bà là đương sự trong vụ án tranh chấp di sản lúc sáng mà Thẩm phán vừa hòa giải nhưng không thành. Sở dĩ, bà không đến tham gia hòa giải vì bà biết các em của bà đã không còn nghe ý kiến của mình nữa. Gần một năm nay, mặc dù đi lại rất khó khăn nhưng bà vẫn cố gắng đến từng nhà các em, khuyên răn có, mắng chửi có để các em vì tình anh em trong nhà mà tự giải quyết với nhau, không đưa nhau ra tòa để người đời cười chê nhưng các em đều không nghe. Nước mắt bà rơi, bà đau xót kể về hoàn cảnh gia đình mình. Cha mẹ bà sinh được 06 người con, 03 trai 03 gái nhưng trong đó có 01 người em trai sức khỏe không bình thường. Bà còn nhớ, sau ngày đất nước giải phóng, cha mẹ bà đưa các con về quê nội sinh sống. Vì cha bà trước đây làm việc cho chế độ cũ nên cuộc sống của gia đình bà gặp không ít khó khăn. Không có nhà cửa nên cha của bà chạy vạy khắp nơi để xin được mảnh đất gần 1.000m2 cho gia đình có nơi tá túc. Có thời gian, bà và cha mẹ phải chạy ăn từng bữa để nuôi các em. Rồi cha bà vì suy nghĩ nhiều mà sức khỏe giảm sút, mẹ bà suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có cái ăn cho các con. Bà làm chị cả nên mọi việc trong nhà phải cán đáng hết. Từ cơm nước, chăm em đến cả chăm cha trong những lúc ốm đau, bệnh tật. Vậy nhưng trong cái khó khăn ấy, anh em bà đều yêu thương, đùm bọc nhau để vượt qua khó khăn. Các em của bà đều được đi học, bây giờ là những người có địa vị trong xã hội. Chỉ có bà và người con trai út là không được học hành. Bà và các em lập gia đình, cậu út sống với cha mẹ. Mặc dù đều là những người thành đạt nhưng không ai trong số hai người em trai của bà muốn nuôi cha mẹ vì sợ phải đèo bồng thêm em út. Bà và các em gái lấy chồng phải theo đạo nhà chồng nên không thể đón cha mẹ cùng em đến sống cùng. Nhưng dù sao các chị em cũng ở gần nên lui tới mỗi ngày để chăm sóc cha mẹ. Cha mất, mẹ và em út tiếp tục ở lại ngôi nhà cũ. Rồi có dự án mở đường đi ngang qua thửa đất của cha mẹ bà. Khu đất từ một nơi hẻo lánh giờ bị thu hồi một phần, phần còn lại thì có đường quốc lộ chạy qua nên giá trị tăng lên đáng kể. Mẹ của bà muốn gửi tiền bồi thường tại Ngân hàng để lo cho chú út sau này nhưng chưa kịp nhận bồi thường thì bà cũng qua đời, để lại mọi việc còn dang dở nên giờ các em của bà không ai nhường ai. Em trai lớn thì bảo mình là con trưởng nên phải được thừa kế toàn bộ. Em trai thứ và các em gái thì cho rằng của cha của mẹ phải chia đều. Nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc gì đến đứa em trai út của bà. Mẹ mất, chú ấy thui thủi một mình, ăn uống bữa được bữa mất vì không thể tự nấu ăn được. Ngày còn cha mẹ, chú nương tựa vào cha mẹ mà sống. Giờ không còn ai, anh chị em trong nhà chỉ chăm chăm vào quyền lợi, xích mích mới nhau nên không còn lui tới nhà cũ nhiều nữa. Bà sức khỏe yếu không đến chăm em thường xuyên được nên phải nhờ con dâu, con gái của mình nấu ăn mang đến cho chú. Nói đến đây bà bật khóc nức nở. Người con trai ngồi cạnh mẹ cũng lấy tay quệch vội khóe mắt.

Thẩm phán hỏi qua về hoàn cảnh của bà mới biết. Bà lấy chồng nhưng gia đình chồng cũng nghèo khổ. Vợ chồng làm lụng vất vả để nuôi các con. So với các em thì bà khó khăn nhất nhưng theo bà thì bà còn may mắn vì còn có gia đình bên cạnh, còn chú út giờ này không biết phải xoay sở thể nào. Nhưng khi Thẩm phán gợi ý về quyền lợi nếu được chia thừa kế thì bà lắc đầu. Bà bảo đối với bà, bà không màng gì trong khối tài sản cha mẹ để lại. Bà chỉ mong các em của mình hãy để ngôi nhà của cha mẹ lại cho chú út có nơi ăn chốn ở đến cuối đời. Đối với số tiền bồi thường thì cho chú út để chú còn có chi phí lo cho cuộc sống. Nhưng các em của bà không đồng ý vì ngôi nhà nằm giữa thửa đất. Để nhà đồng nghĩa với việc để lại toàn bộ đất cho chú. Em trai lớn muốn nhận toàn bộ di sản nhưng lại bảo sẽ đón chú út đến nhà của em ấy sống. Chú út không chịu đi vì em bảo sẽ không sống được với chị dâu và các cháu. Người con trai của bà lúc này mới lên tiếng. Trước đây mẹ anh có bệnh nhưng còn đi lại được. Từ ngày các cậu, các dì kiện nhau ra Tòa sức khỏe của mẹ anh giảm sút rõ rệt. Nhiều đêm nhìn mẹ trăn trở mà lòng anh cũng xót xa. Nhận giấy triệu tập của Tòa nhưng mẹ con anh không muốn đến. Nhưng rồi sợ chú út thiệt thòi, sợ máu mủ ruột rà chia cắt nên mẹ con anh đến nhờ Thẩm phán giúp đỡ, tìm cách gì giải quyết cho thỏa đáng nhất.

Trước đây, Thẩm phán có ý định sẽ phân chia di sản theo pháp luật. Nhìn ánh mắt chất chứa bao niềm hy vọng nhỏ nhoi của người chị tội nghiệp, lương tâm bảo ông cần phải làm nhiều hơn thế nữa. Chia di sản đồng nghĩa với chia cắt tình thân, máu mủ. Đẩy một người khuyết tật đến chỗ cô đơn. Thẩm phán tiễn hai mẹ con ra về và hứa ông sẽ làm những gì có thể để giúp cho chú út.

Thẩm phán mời người con trai trưởng đến làm việc. Nhưng tại buổi làm việc, thay vì hồ sơ, bút mực như mọi khi thì lại là một tách trà. Buổi làm việc trở thành một buổi nói chuyện giữa hai người ở hai thế hệ. Người Thẩm phán đã kể lại cho đương sự nghe câu chuyện mà ông nghe được từ người chị của đương sự. Ông phân tích cho đương sự thấy được, trong cái nghèo, cái khổ thì anh chị em đùm bọc nhau vượt qua khó khăn. Nhưng giờ đây khi kinh tế ổn định thì các anh chị em lại tranh giành mà quên đi nỗi niềm mong mỏi của cha mẹ. Thẩm phán cũng phân tích cho đương sự hiểu nếu ngày hôm nay không phải là ông mà là các con ông ngồi đây, kiện để chia di sản của ông và anh em cũng không nhìn mặt nhau thì ông suy nghĩ như thế nào. Ánh mắt ông chùng xuống, có lẽ chính bản thân ông cũng chưa từng suy nghĩ nhiều đến vậy nên giờ đây ông có phần ngỡ ngàng khi Thẩm phán hỏi như vậy. Trước khi ra về, ông có hứa với Thẩm phán sẽ cố gắng sắp xếp chuyện gia đình trong khả năng có thể. Nhưng ông cũng nói niềm trăn trở của ông là dù có gì đi nữa thì ông cũng là anh trưởng nhưng các em không có sự tôn trọng ông.

Nghe được trăn trở của người con trai trưởng, Thẩm phán gọi từng người em đến tòa để nói chuyện, phân tích rằng phương Đông vốn có truyền thống tôn trọng đạo lý gia phong. Khi còn sống bố mẹ giao tài sản cho ai quản lý thì anh em cũng không tính toán so đo. Khi bố mẹ qua đời thì anh em cũng nhường nhịn lẫn nhau mà không đòi chia phần tài sản, càng ít khi quan tâm đến di chúc của bố mẹ để lại. Truyền thống đó đã có từ bao đời và trở thành một phẩm chất văn hóa của người Việt. Nhưng từ khi có con đường thì tình cảm anh em trong nhà cũng bị chia cắt. Em không còn xem trọng anh. Thẩm phán còn nhấn mạnh rằng đạo làm con không chỉ là chăm sóc cha mẹ, mà còn là làm theo di nguyện của cha mẹ để cha mẹ an nghỉ.

Ở lần hòa giải thứ hai, Thẩm phán đã thuyết phục được người chị cả và nhờ người đưa chú út đến Tòa. Tại phiên hòa giải, Thẩm phán đã trình bày hết nguyện vọng của người chị cho các em nghe, khuyên các đương sự nên suy nghĩ lại, nên nghĩ đến chú út, nghĩ đến niềm trăn trở của cha mẹ trước lúc mất mà tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề cho thấu tình đạt lý nhất. Người chị cả bật khóc, còn chú út ngồi lặng lẽ. Bao lâu nay chú không lên tiếng vì tự ti, vì nỗi buồn mẹ mất, đến khi chú nhìn các anh chị và hỏi “các anh chị không còn thương em nữa hay sao”. Có lẽ, lúc này trong lòng mỗi người đã không còn nghĩ đến số tiền đền bù, đã không còn nghĩ đến thửa đất tái định cư hay thửa đất của cha mẹ nữa mà đều đang nghĩ về đứa em út của mình. Bao lâu nay, vì lợi ích mà quên mất mình còn một người em cần cưu mang, cần che chở, quên mất đi những trăn trở của cha mẹ khi còn sống sợ không ai chăm chú. Vì thế mà thay vì hòa giải phân chia thì các chị em lại ngồi nói với nhau về những nỗi niềm mà trong lòng chất chứa bao lâu nay. Anh trưởng buồn các em không tôn trọng mình. Các em buồn anh không bàn bạc, tham khảo ý kiến các em mà đều tự quyết mọi việc. Mọi người thống nhất không phân chia nữa mà để lại làm nơi thờ cúng cha mẹ. Thửa đất tái định cư sẽ bán đi, xây lại nhà kiên cố để chú út có nơi ở. Tiền đền bù thì giao cho anh trưởng quản lý, sau này trích ra để chăm lo cho chú.

Một niềm cảm kích hiện lên trên gương mặt đã lắm ưu buồn của chú út. Phiên hòa giải kết thúc, Thẩm phán đi ra ngoài, thấy chị cả đứng chờ và gật đầu chào cảm ơn ông, Thẩm phán cũng gật đầu đáp lễ rồi đi lên lầu. Quay lại, vẫn thấy người chị dõi theo và gật đầu cảm ơn một lần nữa.

Suốt hôm đó, Thẩm phán lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả vì biết mình đã làm đúng, đúng chức trách, đúng lương tâm và thấy lòng thanh thản. Có lẽ ít nhất cũng đã có người cảm ơn và thấy hài lòng với mình vì tâm huyết đối với vụ án – tâm huyết của một người muốn giữ lại hòa khí, tình ruột thịt thiêng liêng của một gia đình sau vụ án chia thừa kế./.

Nguyễn Văn Hợp