1. Mục đích, phạm vi của chuyên đề

Hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2019, Chi bộ Tòa hình sự tiếp tục xây dựng và triển khai sinh hoạt và thực hiện chuyên đề thứ 3: Học tập và làm theo Đạo đức Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân. Chuyên đề này chủ yếu tập trung ở phạm vi gắn liền với chức năng nhiệm vụ công việc của mỗi cán bộ, đảng viên tại chi bộ Tòa hình sự. Mục đích của chuyên đề nhằm để tất cả các cán bộ, đảng viên trong chi bộ tìm hiểu, học tập, thực hiện theo tấm gương đạo đức của Người bằng hành động và việc làm cụ thể trong thực tiễn công tác.

2. Nội dung chuyên đề

2.1.Đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng Nhân dân

Ý thức tôn trọng Nhân dân ở khía cạnh đạo đức cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao nhân dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng Nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân.

Đạo đức nói chung, liên quan đến tôn trọng Nhân dân nói riêng thì phải nêu gương về trong sạch, đề cao chữ Liêm. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức về tôn trọng Nhân dân là không xâm phạm đến Nhân dân, một trong những biểu hiện rõ nhất là thực hành chữ Liêm. Liêm là trong sạch, không tham lam, tham ô, tham nhũng. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân… Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”. Liêm thì phải đi với Kiệm, có kiệm mới liêm được, vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tôn trọng Nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người “ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy”. Vì vậy, những người làm trong các công sở phải làm gương cho dân bắt chước. “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”

2.2. Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ

Dân chủ, được hiểu ngắn gọn: dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích Nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, thì một điều quan trọng là tạo điều kiện cho dân "dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm". Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là phát huy quyền của người dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...

Nhận thức khoa học và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ đảng viên với Nhân dân trong chế độ dân chủ là một nội dung trọng yếu của đạo đức trong phát huy dân chủ. Sự vi phạm đạo đức về mặt dân chủ có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là nhận thức không đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ đảng viên, dẫn đến độc quyền, mệnh lệnh, áp đặt kiểu “quan chủ”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên nắm chắc quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, phát động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan.

2.3.Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân

Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng là “yêu nước, thương dân”, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột, lấy điều đó là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác.

Hồ Chí Minh dạy cán bộ, đảng viên tu dưỡng đạo đức không chỉ ở những việc lớn, mà phải quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, từ cái ăn, cái mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh. Phải biết tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo của dân. Người cho rằng khi đất nước còn khó khăn, nhân dân còn thiếu thốn thì Chủ tịch nước mặc áo vá là có phúc cho dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước phải trải qua nạn đói khủng khiếp, Hồ Chí Minh chủ trương tăng gia sản xuất, mỗi người mười ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu đói và Người cũng đổ lon gạo của mình vào hũ tiết kiệm như mọi người dân. Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Tóm lại Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, một cách rất nhất quán về đạo đức. Người để lại cho chúng ta nhiều phẩm chất đạo đức quý báu, cao nhất, cốt lõi là chí công vô tư. Điểm xuất phát tiến đến chí công vô tư là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”, làm cán bộ, đảng viên là phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

3. Cán bộ, Đảng viên chi bộ Tòa Hình sự cần phải vận dụng học tập đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc làm cụ thể

Học tập đạo đức của Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện cụ thể ở mỗi cán bộ đảng viên Tòa hình sự khi thực hiện nhiệm vụ được giao cần phải quyết tâm thực hiện một số việc làm cụ thể như sau:

- Khi thực hiện nhiệm vụ phải thật vô tư, khách quan, liêm chính trung thực, đảm bảo được sự công bằng và bình đẳng, không thiên vị bất cứ ai. Giải thích, hướng dẫn tận tình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án. Riêng đối với Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc. Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

- Khi tiếp xúc với cá nhân tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải hành xử với thái độ đúng mực, lịch thiệp và thận trọng; biết lắng nghe tôn trọng ý kiến của người dân nhưng phải đảm bảo được sự tôn nghiêm trong suốt quá trình tố tụng. Luôn thể hiện được sự kiên nhẫn, nhân ái đối với bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác, không được đưa ra những nhận định gây xúc phạm người khác.

- Phải thật sự tận tụy nhiệt tình với công việc cống hiến hết mình trong khi thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao. Khi giải quyết các vụ việc, Thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan.

4. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện

Muốn làm tốt được những điều trên, mỗi cán bộ đảng viên chi bộ Tòa Hình sự phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tích lũy được các kỹ năng giải quyết án hình sự nói riêng cũng như khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, chuyên nghiệp thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp.

Mỗi cán bộ đảng viên trong chi bộ cần có ý thức tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị; tự cập nhật thường xuyên, kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến các qui định pháp luật để áp dụng pháp luật đúng đắn nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và phục vụ tốt hơn trong hoạt động thực tiễn công tác xét xử.