Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

Năm 2019 là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); trên cơ sở đó Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng chủ đề về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tầm quan trọng của của việc phát huy dân chủ được khẳng định, dù ở đâu, khi nào dân chủ được thực thi thì ở đó sẽ phát huy tốt tiềm năng, trí tuệ và sự sáng tạo của con người. Có dân chủ thì mọi người được biết, được tự do bàn bạc, tự do đóng góp ý kiến và tự do thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó xuất hiện nhiều ý kiến hay, có giá trị cho công việc chung của tập thể. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “dân chủ là của cải quý báu nhất”, thực hiện dân chủ “là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

Vì lý do đó, Chi bộ Văn phòng chọn chuyên đề sinh hoạt Quý III/năm 2019  là Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ - Thực tiễn phát huy dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ Văn phòng” nhằm đánh giá, nâng cao hơn nữa việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ cũng như chia sẻ những kinh nghiệm đã thực hiện và tìm giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ:

1. Phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách Hồ Chí Minh về dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Phát huy dân chủ là tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiểu rõ, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, nếu làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức, thì dân không hiểu, dân oán. Dân oán, dù tạm thời có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân; phải luôn tôn trọng và giữ gìn của công của Nhân dân.

Theo tư tưởng của Bác, phát huy tốt dân chủ sẽ khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong Nhân dân. Để làm được điều đó, Đảng cần phải dựa vào Nhân dân, lắng nghe dân, phát huy vai trò của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; khuyến khích các tầng lớp Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

2. Tác dụng của phát huy dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ Văn phòng

Thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác, hơn một năm qua, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng như phát huy dân chủ, bằng nhiều hình thức khác nhau trong các buổi sinh hoạt Chi bộ Văn phòng đã thường xuyên trao đổi, thảo luận để thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên về mọi vấn đề phát sinh, khó khăn vướng mắc trong quá trình công tác ở mỗi cương vị để tìm ra giải pháp tối ưu. Từ đó, khi đã thống nhất nhận thức về tác dụng của phát huy dân chủ, tạo thành thông lệ thì sẽ huy động sự tự giác, mạnh dạn tham gia ý kiến của cán bộ, đảng viên vào các hoạt động của Chi bộ.

Thực tiễn trong sinh hoạt Chi bộ Văn phòng thời gian qua cho thấy, việc phát huy dân chủ đã mang lại tác dụng lớn cho Chi bộ và từng cán bộ, đảng viên. Cụ thể là:

- Phát huy dân chủ là phương pháp tốt nhất để thực hiện các công việc của Chi bộ hoặc công việc chuyên môn nhanh nhất, hiệu quả nhất, vì sẽ khơi dậy, phát huy thế mạnh, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm của tất cả cán bộ, đảng viên trong Chi bộ cùng tham gia góp ý, các giải pháp giải quyết công việc một cách thấu đáo, toàn diện, sát thực tế; mỗi người đều có chính kiến, quan điểm riêng, lý lẽ về một vấn đề cụ thể nhưng thông qua trao đổi, thảo luận, phản biện thì vấn đề đó sẽ được phân tích, mổ xẻ, làm sáng, rõ để thống nhất tìm phương án tốt nhất.

- Phát huy dân chủ thực sự sẽ đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực của Bí thư chi bộ và những người thực hiện từng công việc, vì Bí thư chi bộ là người có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về công việc đó; mà muốn đưa ra quyết định đúng đắn thì Bí thư chi bộ, lãnh đạo đơn vị phải nghiên cứu kỹ các đề xuất, các ý kiến góp ý để lựa chọn phương án tiếp thu phù hợp nhất. Những người được phân công thực hiện từng công việc phải nghiên cứu để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, có quan điểm, chính kiến đề xuất với Bí thư chi bộ và lãnh đạo đơn vị về phương án để tiếp thu từng nội dung cụ thể, lý do, lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình…

- Phát huy dân chủ là cơ hội tốt để cán bộ, đảng viên trong Chi bộ học hỏi lẫn nhau về phương pháp, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao năng lực của bản thân. Trong các buổi sinh hoạt Chi bộ và chuyên môn, mỗi đảng viên Chi bộ Văn phòng đều có ý kiến của bản thân về quá trình công tác, những thuận lợi, khó khăn, hoặc ý kiến để xây dựng chung cho tập thể; tạo ra các cuộc tranh luận sôi nổi vì thông qua trao đổi, thảo luận, phản biện mỗi cán bộ, đảng viên sẽ vững vàng hơn về lý luận, nắm chắc hơn về thực tiễn; học hỏi cán bộ, đảng viên khác về phương pháp tiếp cận và kỹ năng giải quyết vấn đề, những ý kiến sáng tạo của đồng nghiệp, nhất là những công việc không thuộc chuyên môn của mình. Mặt khác, mỗi đảng viên muốn ý kiến tham gia và được tập thể Chi bộ chấp nhận thì phải tự giác nghiên cứu kỹ, thận trọng cân nhắc nên tham gia ý kiến thế nào là tốt nhất. Từ đó, phát huy kỹ năng phát biểu và mạnh dạn ý kiến hơn trong các cuộc hội họp.

Mặt khác, khi nhận thức được tầm quan trọng của phát huy dân chủ thì sẽ giúp Bí thư chi bộ, Chi ủy viên và các đảng viên có phương pháp, cách thức để tham gia vào quá trình phát huy dân chủ trong Chi bộ phù hợp nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ” và “để đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”; thực hiện lời dạy của Người, Chi bộ Văn phòng TAND tỉnh đã thống nhất khuyến khích đảng viên trong Chi bộ, mỗi người phải có ít nhất một ý kiến phát biểu tại cuộc họp, bày tỏ hết khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng và góp ý thẳng thắn đối với các đồng chí, đồng nghiệp. Để làm được điều này, trước hết Bí thư chi bộ phải là người có kinh nghiệm, am hiểu, có phương pháp làm việc và điều hành dân chủ, thực sự cầu thị và biết lắng nghe; các Chi ủy viên và đảng viên phải tự giác, mạnh dạn, có trách nhiệm và ý kiến tham gia phải xác đáng, có tính thuyết phục. Do có sự thống nhất nhận thức, nên thời gian qua cán bộ, đảng viên của Chi bộ đã tự giác, tích cực, mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, tạo không khí sôi nổi, cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trong các buổi sinh hoạt Chi bộ; mỗi cán bộ, đảng viên đã từng bước trưởng thành, công việc của chi bộ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

3. Phát huy dân chủ đã trở thành nề nếp trong sinh hoạt Chi bộ Văn phòng

- Giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên công khai, dân chủ: Trên cơ sở nhiệm vụ được Lãnh đạo đơn vị phân công; Bí thư chi bộ căn cứ vị trí công tác, năng lực của từng cán bộ, đảng viên lên kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên, đảm bảo phát huy đúng năng lực, sở trường nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo đơn vị phân công. Trong quá trình thảo luận, đồng chí Bí thư Đảng ủy (Đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Văn phòng), Bí thư Chi bộ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thảo luận kỹ các công việc quan trọng, nhất là những công việc đột xuất được Lãnh đạo giao. Do vậy, sau khi nhận quyết định giao nhiệm vụ, người thực hiện, người cùng tham gia thực hiện đều chủ động triển khai công việc; Bí thư Chi bộ có cơ sở để chỉ đạo, điều phối và hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên Chi bộ, Văn phòng đã hoàn thành tốt các công việc trong kế hoạch và nhiều công việc đột xuất lớn, quan trọng khác.

- Phát huy dân chủ trong mọi hoạt động của Văn phòng. Trong mỗi lần sinh hoạt chi bộ hoặc họp Văn phòng, 100% đảng viên, công chức và người lao động  trình bày ý kiến của mình; những đề xuất mới, những ý kiến trái chiều, những vấn đề đang phát sinh trong hoạt động hàng ngày, đều được khuyến khích tham gia, trước khi Bí thư Chi bộ kết luận phương án cuối cùng. Qua các ý kiến, đồng chí Bí thư – Chánh văn phòng sẽ nắm rõ những khó khăn, vướng mắc ở mỗi cương vị công tác của Văn phòng, qua nhiều thảo luận, đóng góp ý kiến những nội dung chính yếu của từng công việc được phân tích, mổ xẻ các phương án thực tiễn nên hầu như các công việc đều đạt chất lượng và đúng tiến độ, các khó khăn, vướng mắc đều có giải pháp tháo gỡ.

4. Giải pháp thực hiện tốt hơn nữa việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ Văn phòng thời gian tới

- Tránh thực hiện hình thức, năng lực toàn diện của cán bộ, đảng viên được phát huy cao nhất khi dân chủ trong Chi bộ, trong đơn vị được thực hiện đầy đủ, đúng đắn. Do vậy, cần hết sức tránh thực hiện hình thức nhằm hợp thức hóa ý kiến lãnh đạo. Đồng thời, Chi bộ kịp thời chấn chỉnh những cán bộ, đảng viên có tư tưởng né tránh, nể nang, “im lặng là vàng”, ngại nêu ý kiến, không mạnh dạn trong phát biểu xây dựng tập thể… để khơi dậy và phát huy dân chủ của mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ.

- Phát huy phong cách dân chủ của người đứng đầu: Để phát huy dân chủ trong Chi bộ thì trước hết cần phát huy cao nhất phong cách dân chủ của Bí thư chi bộ. Người lãnh đạo phải dân chủ trong giao việc, trong thảo luận, chủ trì các cuộc họp một cách cởi mở, biết động viên, khuyến khích tự phê bình và phê bình, những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng, tiếp thu một cách cầu thị; đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận.

- Không ngừng nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định để phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộVới trình độ, năng lực hiện có, trước tiên Chi bộ phải tuyên truyền, thuyết phục để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, sẵn sàng đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ vào các công việc của Chi bộ. Đồng thời, phải thường xuyên đặt yêu cầu, khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên tự học, tự nghiên cứu, tự nâng cao nhận thức, khả năng tư duy, khả năng biên tập, năng lực bản thân để tham gia ngày càng chất lượng hơn vào các công việc của Chi bộ.

KẾT LUẬN:

Như vậy, thực hiện tốt dân chủ sẽ là nền móng tạo nên sự đoàn kết thống nhất, năng động và đổi mới trong Chi bộ, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Văn phòng./.