1. Mục đích, phạm vi của chuyên đề

Hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2021. Tại chuyên đề sinh hoạt quý III năm 2021, Chi bộ Tòa Hình sự đã thấm nhuần tư tưởng của Bác về lời nói luôn đi đôi với hành động và tư tưởng này đã trở thành một nguyên tắc làm việc xuyên suốt của tất cả cán bộ, đảng viên Tòa Hình sự. Trong quý này, Chi bộ Tòa Hình sự tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện sinh hoạt chuyên đề mới: Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh về tiết kiệm thời gian. Chuyên đề này chủ yếu tập trung ở phạm vi gắn liền với chức năng nhiệm vụ công việc của mỗi cán bộ, đảng viên tại chi bộ Tòa Hình sự. Mục đích của chuyên đề nhằm để tất cả các cán bộ, đảng viên trong chi bộ tìm hiểu, học tập, thực hiện theo tấm gương đạo đức của bác Hồ bằng hành động và việc làm cụ thể trong thực tiễn công tác.

2. Nội dung chuyên đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quý trọng, sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết và tác phong hiện đại, để sao cho không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Không chỉ tiết kiệm cho riêng mình, trong các cuộc họp, gặp mặt, hội thảo…, mà quan trọng hơn là làm việc rất đúng giờ để mọi người không phải chờ, thời gian là vàng ngọc trong một ngày làm việc.

Trong quyển 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có nhiều chuyện kể về đức tính tiết kiệm thời gian để chúng ta học tập, noi theo, cụ thể:

Câu chuyện thứ nhất: “Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được.

Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp.

Bác hỏi:

- Chú đến muộn mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.”

Câu chuyện thứ hai: “Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng bác không đồng ý:

- Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!.

Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…”

Nói về việc tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”, “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Trong bài viết “Một phút đồng hồ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân dân, số 153, ra từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 12 năm 1953, Bác đã viết: “Chúng ta thường than phiền không đủ thời giờ để làm việc và học tập. Đó là vì chưa biết quý trọng thời giờ, sắp đặt thời giờ cho hợp lý, còn lãng phí nhiều thời giờ”.

Trong Di chúc công bố năm 1969, Bác căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.”

Có thể nói, câu chuyện về tiết kiệm thời gian, về thói quen đúng giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học đạo đức có ý nghĩa sâu sắc về tôn trọng chính mình và sự tôn trọng giữa con người với con người trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày. Câu chuyện đã làm sáng rõ chân dung của Bác: Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, mẫu mực, giản dị và tiết kiệm; suốt đời chỉ lo cho nước, cho dân, có quên chỉ quên mình.

3. Cán bộ, Đảng viên chi bộ Tòa Hình sự vận dụng học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh

Qua những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian ở trên; mỗi cán bộ đảng viên Tòa hình sự cần phải học tập đạo đức của Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian trong công tác; phải thấm nhuần đạo đức của Hồ Chí Minh về tiết kiệm thời gian. Thời gian quý báo hơn tài sản. Tài sản hết còn có thể làm thêm nhưng thời gian đã qua đi không bao giờ quay trở lại. Tiết kiệm thời giờ vừa là cần cũng là kiệm. Ngoài việc biết tiết kiệm thời giờ của mình thì cũng phải biết tiết kiệm thời giờ của người khác. Tiết kiệm thời gian bằng những hành động thông minh và văn minh nhất.

4. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện

- Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải chấp hành nghiêm quy định về giờ giấc làm việc của cơ quan: Đi làm đúng giờ, phải có kế hoạch làm việc chi tiết, khoa học, sử dụng thời gian làm việc hiệu quả. Đảm bảo công việc hoàn thành trong thời gian làm việc quy định. Không lạm dụng thời gian công tác tại cơ quan để làm việc khác, cũng như lạm dụng thời gian làm việc khác để làm việc của cơ quan.

- Trong công tác xét xử, cán bộ, đảng viên Tòa Hình sự chủ động lên lịch, kế hoạch xét xử, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, cũng như dự đoán diễn biến của các phiên tòa để đảm bảo mở phiên tòa đúng thời gian trong kế hoạch, đảm bảo xét xử không vượt quá giờ làm việc của cơ quan quy định để không lãng phí thời gian của những người được triệu tập tham gia phiên tòa và tiết kiệm được thời gian để những người tham gia tố tụng, lực lượng hỗ trợ. Góp phần nâng cao hiệu quả công việc của mọi người.

- Tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao đức tính tiết kiện thời gian, không chỉ trong công tác chuyên mà cán bộ, đảng viên Tòa Hình sự cần áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Biến đức tính tiết kiệm thời gian của mình trở thành thói quen tốt trong cuộc sống.

Chi bộ Tòa hình sự