Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

I. Sự cần thiết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân

1. Tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Chỉ sau một ngày đọc tuyên ngôn độc lập ngày 03 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra lịch tiếp chuyện đại biểu nhân dân.

Theo quan điểm Hồ Chủ tịch, quyền khiếu nại, tố cáo liên hệ chặt chẽ với các quyền và nghĩa vụ cơ bản khác của công dân và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ là phương tiện để công dân trực tiếp tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, kiểm tra, giám sát hành vi của cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để giải quyết nhanh chóng kịp thời, dứt điểm các đơn khiếu nại, tố cáo phát sinh đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong bài “Sao cho được lòng dân” đăng trên báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12 tháng 10 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn, chỉ đạo và yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện, Người chỉ rõ: “Muốn cho dân yên, muốn cho được lòng dân việc gì có lợi cho dân phải ra sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú ý đến công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo nhanh, kịp thời. Theo quan điểm của Bác, người dân có oan ức mới khiếu nại hoặc người dân do chưa hiểu chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước mà dẫn đến khiếu nại. Do vậy trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của các tổ chức thanh tra phải xem xét giải quyết nhanh chóng, kịp thời mọi khiếu nại, tố cáo của dân, dù là khiếu nại, tố cáo đó là do oan ức hay do chưa hiểu chính sách pháp luật. Trong Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 19 tháng 4 năm 1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong lúc này, có những cán bộ đảng viên, vì việc này, việc khác mà kêu, cán bộ thanh tra cũng phải xét kịp thời, nhanh chóng chừng nào hay chừng ấy. Đối với nhân dân việc kêu nài, có lúc không kêu nài đi nữa cán bộ thanh tra cũng phải thăm dò ý kiến nhân dân”. Người cũng quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đảm bảo nguyên tắc, đúng quy định.

Theo tư tưởng của Người việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, kịp thời sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân, thể hiện vai trò giám sát của nhân nhân đối với công việc của Đảng và Chính phủ. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 05 tháng 3 năm 1960 Người chỉ rõ: “Về công tác xét và giải quyết khiếu nại, tố giác, nhiệm vụ của Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng đó, đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ luôn quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ củng cố tốt hơn”. Hồ Chủ tịch cũng chỉ ra rằng giải quyết khiếu nại, tố cáo “nhanh” không đồng nghĩa, thậm chí hoàn toàn đối lập với giải quyết “ẩu”, giải quyết thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả. Người yêu cầu phải “Giải quyết nhanh, tốt” và phải chấp hành nghiêm chỉnh đúng pháp luật, đảm bảo chất lượng “Thấu tình, đạt lý”.

2. Sự cần thiết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác quan trọng, nhằm giải quyết thỏa đáng những bức xúc của người dân đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức và người lao động thuộc Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau. Do đó, cán bộ được phân công tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết, thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình trong giải quyết đơn, tránh xảy ra tiêu cực, không khách quan, cũng như hướng dẫn các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau có hành vi sai phạm, sẽ củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đặc biệt là đối với Tòa án nhân dân.

II. Tình hình thực hiện công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị

1. Những mặt làm được

Với nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức và người lao động, Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng đã tham mưu kịp thời Chánh án Tòa án tỉnh trong công tác giải quyết đơn của công dân.

Từ ngày 01/12/2018 đến 30/4/2019, Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận 10 đơn, đã tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau giải quyết 10 đơn (trong đó chuyển 02 đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thẩm quyền), đạt tỷ lệ 100%. Việc tiếp nhận đơn, trình tự, thủ tục giải quyết đúng theo luật định, công tâm, khách quan, đảm bảo cho người dân thực hiện đầy đủ quyền khiếu nại, tố cáo. Tất cả các đơn đều được xem xét, giải quyết đúng theo thời hạn quy định. Không có trường hợp khiếu nại đối với các kết luận nội dung đơn.

Có được kết quả như trên là do cán bộ tham mưu trong giải quyết đơn luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến phán ánh của người dân; hướng dẫn, giải thích những vấn đề còn khúc mắc mà người dẫn còn chưa hiểu rõ.

Ngoài ra, Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng đã tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 104/KH-TA ngày 25 tháng 02 năm 2019 kiểm tra đối với Tòa án nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau để nắm lại một số mặt công tác như: Tình hình công tác quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019, kết quả công tác giải quyết, xét xử những tháng đầu năm 2019; công tác quán triệt, triển khai thực hiện phong trào thi đua và tổ chức đăng ký thi đua của các đơn vị. Đặc biệt là công tác đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập của công chức năm 2018 và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120.

Qua công tác kiểm tra, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các TAND cấp huyện khắc phục các hạn chế, thiếu sót qua công tác kiểm tra, đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự đảng và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.

2. Những hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết đơn vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như:

- Công tác phối hợp giữa Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng với Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án đôi lúc chưa chặt chẽ dẫn đến mất nhiều thời gian trong công tác giải quyết.

- Một số yêu cầu, khiếu nại gửi qua đường bưu điện và nội dung trong đơn nêu không rõ ràng hoặc nhiều nội dung khác nhau, người yêu cầu không liên hệ trực tiếp với Tòa án dẫn đến việc giải thích hay trả lời gặp khó khăn.

- Một số trường hợp đã được giải quyết rồi nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn yêu cầu với cùng một nội dung đã được giải quyết.

- Một số trường hợp người dân chưa thống nhất với kết quả giải quyết của Tòa án, thay vì thực hiện quyền kháng cáo hoặc yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì người dân lại khiếu nại kết quả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án.

- Trong quá trình thực thi công vụ, có trường hợp công chức chưa thật sự chuẩn mực trong phát ngôn, hành vi ứng xử với dân dẫn đến người dân bức xúc nên khiếu nại, tố cáo.

- Một số trường hợp do người dân không hiểu pháp luật tố tụng nên khi Tòa án yêu cầu thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng nhưng họ không hợp tác mà lại phản đối, khiếu nại đối với những người tiến hành tố tụng.

- Ngoài ra, một số người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo cho nhiều cơ quan, tổ chức và không xác định được nội dung là đơn khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị dẫn đến gặp khó khăn cho công tác giải quyết hoặc báo cáo, thống kê số liệu đơn khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu.

III. Giải pháp để thực hiện tốt công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới

Tiếp tục phát huy những mặt làm được, khắc phục những mặt còn hạn chế cụ thể như sau:

1. Thường xuyên quán triệt cho tất cả cán bộ, đảng viên của Phòng cần phải ra sức học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.

2. Tất cả đảng viên, công chức của Phòng cần phải học tập, nghiên cứu và cập nhật các văn bản phục vụ cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Luật khiếu nại, Luật tố cáo, các văn bản hướng dẫn…để nâng cao trình độ chuyên môn khi giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.

3. Thường xuyên phối hợp với Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án và Tòa án nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với công chức và người lao động Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau, tránh kéo dài thời gian giải quyết đơn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đồng thời tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử lý nghiêm những trường hợp công chức và người lao động thuộc Tòa án nhân dân hai cấp có hành vi vi phạm theo quy định.

4. Ngoài ra, thực hiện lưu trữ hồ sơ giải quyết khiếu nại tố cáo theo đúng quy định, đảm bảo cho việc khai thác, sử dụng hồ sơ khi cần, đảm bảo bí mật thông tin về người tố cáo; phục vụ cho thống kê, báo cáo số liệu đơn khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu.

CHI BỘ PHÒNG TCCB,TT VÀ TĐKT