Quang cảnh buổi sinh hoạt

1- Lý do chọn chuyên đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chi bộ là nền móng của Đảng, Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”

 (1) “Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt. Muốn vững mạnh, thì tất cả đảng viên trong Chi bộ phải thật thà, đoàn kết, nhất trí”

(2) “Tác dụng của Chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”

(3) Muốn Chi bộ phát triển tốt, thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng Chi bộ, “phải quan tâm đến việc xây dựng Chi bộ, phải làm cho Chi bộ trở thành “bốn tốt”

 (4) Chi bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, do vậy hoạt động của Chi bộ (mà chủ yếu thông qua sinh hoạt Chi bộ thường kỳ) chính là nhằm thống nhất tư tưởng, tổ chức và hành động trong toàn Đảng, để thực hiện mục tiêu của Đảng, duy trì cầu nối này cũng là nhằm tăng cường tính chiến đấu, tạo sức mạnh cho Đảng, gây dựng và giữ vững niềm tin trong nhân dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng mạnh là do Chi bộ tốt, Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt ”. Để đạt được điều đó, phải đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

2- Ý nghĩa của sinh hoạt Chi bộ:

Như chúng ta đã biết, sinh hoạt Chi bộ là hoạt động quan trọng, tác động đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cho nên, sinh hoạt Chi bộ được xem là một trong những hoạt động chủ yếu của Chi bộ. Không sinh hoạt Chi bộ, xem như Chi bộ ngưng hoạt động. Sinh hoạt Chi bộ có vai trò tác dụng to lớn đối với xây dựng Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; là diễn đàn phát huy dân chủ, tính sáng tạo và nâng cao trình độ mọi mặt của của đảng viên. Qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, những mặt khó khăn, hạn chế và tìm ra giải pháp khắc phục.

3- Thực trạng sinh hoạt Chi bộ:

Ưu điểm: Xuất phát từ những nhận thức nêu trên, trong thời gian vừa qua, Chi bộ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, duy trì sinh hoạt nề nếp, chuẩn bị chu đáo; nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới; thực hiện lồng ghép sinh hoạt về việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh” bằng kể những câu chuyện về Bác qua đó rút ra bài học kinh nghiệm và khắc phục các yếu kém, tồn tại. Đa số đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình, luôn tạo được không khí cởi mở, chân thành; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu trong sinh hoạt Chi bộ. Phương pháp điều hành sinh hoạt, điều hành thảo luận, gợi mở. Vai trò, trách nhiệm người chủ trì, Chi ủy được thể hiện cao trong sinh hoạt Chi bộ. Qua thực tiễn đã chứng minh, Chi bộ Văn phòng đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh trong nhiều năm liền.

Bên cạnh đạt được những ưu điểm, chất lượng sinh hoạt Chi bộ vẫn còn một vài hạn chế:

Trong sinh hoạt Chi bộ hàng tháng, chưa thật sự sinh động, hấp dẫn; chưa quan tâm nhiều về sinh hoạt chuyên đề hàng quý. Còn một số đảng viên chưa thể hiện được tính tiên phong gương mẫu, vào sinh hoạt Chi bộ luôn ở thế thụ động, ít tham gia đóng góp ý kiến, mỗi lần phát biểu là do đồng chí Bí thư Chi bộ có lời mời mới phát biểu; ý thức trách nhiệm đối với tập thể, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình chưa cao, còn biểu hiện ngại va chạm, sợ mất lòng, ngại nói, sợ nói, không nói; chưa nghiên cứu sâu báo cáo, phương hướng nhiệm vụ của Chi bộ, đóng góp ý kiến còn gượng ép, nội dung chưa trọng tâm, không có chiều sâu, chưa có nhiều ý kiến hay để đóng góp vào quá trình hoạt động, lãnh đạo của Chi bộ.

4- Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ:

 Để nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:

1/ Nâng cao vai trò Chi ủy, nhất là Bí thư Chi bộ:

 - Bí thư Chi bộ phải bố trí lịch sinh hoạt hợp lý; chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt; trăn trở suy nghĩ và nêu cao trách nhiệm bản thân, phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại va chạm, dám bày tỏ chính kiến, dám ủng hộ cái đúng, dám phê phán cái sai...

- Suy nghĩ cách thức, phương pháp để dẫn dắt và định hướng cho Chi bộ hoạt động có hiệu quả. Nội dung sinh hoạt Chi bộ phải bám vào Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, trong đó lưu ý nội dung thông tin tuyên truyền cần chọn lọc phù hợp, thiết thực.

- Trong sinh hoạt phải tạo được không khí cởi mở, thân thiện, gần gũi, quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau... bằng việc thực hiện dân chủ trong Đảng, dân chủ ở cơ sở, từ đó Chi bộ mới lắng nghe được hết các ý kiến của đảng viên. Có như vậy, cuộc họp Chi bộ mới thực sự là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, đảng viên có cảm giác hứng thú khi đi họp để được đóng góp, được xây dựng, được tôn trọng, được cống hiến trí tuệ của mình cho Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

- Đề ra nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, những việc cần làm ngay trong tháng tới theo chức năng, nhiệm vụ của Chi bộ, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và phân công nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện.

- Phần thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của đảng viên và gợi ý những nội dung quan trọng để đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình.

- Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của Chi bộ; trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng Chi ủy viên, bảo đảm Chi ủy, Chi bộ hoạt động có hiệu quả.

2/ Sinh hoạt Chi bộ gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Trong cuộc họp Chi bộ, đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hàng tháng, gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm trong tháng trước để định hướng, hoặc chuẩn bị trước Chi bộ một câu chuyện, hoặc bài nói, bài viết của Bác Hồ để đảng viên cùng suy ngẫm, liên hệ, rút ra những vấn đề liên quan đến công việc, nhiệm vụ của mình. Đồng thời đưa ra một mô hình mới, cách làm hiệu quả trong Chi bộ.

3/ Nâng cao ý thức đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt Chi bộ

- Chất lượng Chi bộ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đảng viên, đảng viên có nhận thức, góp ý thảo luận sôi nổi, có trọng tâm trọng điểm, do đó đảng viên phải nghiên cứu kỹ nội dung để tham gia và coi đây là trách nhiệm của mình. Trong sinh hoạt phải đánh giá kết quả công việc đã thực hiện, những mặt còn hạn chế, khuyết điểm để mọi người cùng nhau góp ý giúp tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời mỗi đảng viên nghiên cứu chuẩn bị sẵn ý kiến của mình và tích cực tham gia thảo luận, nhận xét, đóng góp ý kiến, thể hiện rõ chính kiến của mình, tham gia biểu quyết, xây dựng Nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của Chi bộ.

- Thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình trong Đảng và xem Chi bộ như là “mái nhà của mình” (vì Chi bộ là nơi giáo dục, rèn luyện, phân công công tác, giúp đỡ và nơi sinh hoạt hàng tháng,...), xem đảng viên cùng sinh hoạt là “anh em trong một nhà”. Mỗi Đảng viên nhận thức và làm được như thế thì Chi bộ đoàn kết nội bộ tốt, chất lượng sinh hoạt nâng lên.

4/ Nâng cao chất lượng điều hành trong sinh hoạt Chi bộ

- Bí thư Chi bộ (hoặc đồng chí được phân công) chủ trì, điều hành cuộc họp Chi bộ phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình đề ra; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian sinh hoạt. Nội dung báo cáo trước Chi bộ phải rõ ràng, ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho phần thảo luận.

- Phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, lắng nghe phát biểu của đảng viên và gợi mở những vấn đề thiết thực, khoa học để đảng viên thảo luận. Những vấn đề cần phải biểu quyết nhưng đang còn có những ý kiến khác nhau, Chi bộ trao đổi, thảo luận kỹ để tạo sự thống nhất trước khi biểu quyết.

- Các buổi sinh hoạt chuyên đề, cấp ủy Chi bộ cần nghiên cứu chọn chuyên đề phù hợp, sát với tình hình thực tế của Chi bộ, tạo sự phong phú, lôi cuốn, tránh đơn điệu trong sinh hoạt.. Phương pháp, hình thức sinh hoạt chuyên đề luôn được đổi mới theo hướng đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thiết thực, tại mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, chi ủy báo cáo đánh giá thực trạng, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của chuyên đề; với tinh thần dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, các đảng viên trong Chi bộ thảo luận, trong đó tập trung đưa ra những nhận xét, đánh giá của cá nhân và đề xuất những giải pháp thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác đảng cũng như nhiệm vụ công tác chuyên môn. Kết thúc mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề theo quý, Chi ủy ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung chuyên đề đã được tổ chức sinh hoạt để tổ chức thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Kết luận:

Bác Hồ nói: “Đảng mạnh là do các Chi bộ tốt, Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ; đồng thời, làm cho sinh hoạt Chi bộ thực sự phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn đảng viên tham gia, mong muốn được tham gia sinh hoạt Chi bộ, khắc phục sự nhàm chán, xơ cứng, nghèo nàn, khắc phục bệnh hình thức trong sinh hoạt, khắc phục tình trạng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “nhạt đảng – chán đoàn – thờ ơ với chính trị” là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Đòi hỏi Chi bộ phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo cho phù hợp. Để làm được điều đó thì việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Khi đội ngũ đảng viên vững mạnh sẽ góp phần làm cho Chi bộ tốt, Chi bộ tốt tức là Đảng bộ mạnh, Đảng bộ mạnh tức là toàn Đảng vững mạnh. Vì vậy mỗi đảng viên chúng ta phải tự rèn luyện để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ nơi mình đang công tác.

Chi bộ Văn phòng