Thực hiện phong trào “Công chức và người lao động Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 75 ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2020) do Hội đồng Thi đua – khen thưởng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau phát động, Chi bộ Tòa Kinh tế sinh hoạt chuyên đề “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

I. Sự cần thiết phải thực hành tiết kiệm

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện thường xuyên trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mình.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành những chuẩn mực đạo đức đó. Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức sâu sắc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với thanh niên trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang trở thành một trong những yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng, tiêu chuẩn không thể thiếu mà mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên phải rèn luyện, thực hiện trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

II. Nội dung chuyên đề

1.1. Bản chất của tiết kiệm

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Người tiết kiệm là phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất, theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng”.

Thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, càng không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Bởi vậy, “nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”

1.2.  Mục đích tiết kiệm

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước, góp phần nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Người căn dặn: “Chúng ta phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm, đầy đủ cho mọi người”. Bởi vậy, nếu khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời gian thì với sức lao động, tiền tài của đất nước có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng mọi mặt của đất nước cũng tăng gấp bội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của tiết kiệm trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Bởi vì theo Người, “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.

1.3. Nội dung tiết kiệm

Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm bao gồm nhiều nội dung và ở mọi thời điểm, tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm.

Tiết kiệm sức lao động, tức phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2,3 người”.

Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác. Vì theo Người, “thời giờ tức là tiền bạc”, “một tấc bóng là một thước vàng”. “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt, là người ngu dại”. Người căn dặn: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Nhưng “khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”.

Ngoài tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của thì trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện một số nội dung khác, như tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời nói…, cụ thể là:

Tiết kiệm sức dân, “phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”. Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Người viết: “Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu. Có khi hy sinh cả tính mệnh” nên “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”.

Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”. Với các cơ quan đoàn thể, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm”.

1.4. Ai cần phải tiết kiệm

Tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm, trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp, cán bộ, đảng viên phải làm gương đi tiên phong. Người viết: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong cơ quan, đơn vị, vị trí công tác của mình. Tùy thuộc vào công việc cụ thể mà mỗi người, mỗi cơ quan cần thực hành kiệm cho phù hợp. Người căn dặn: “muốn vít kín các lỗ thủng, các kẽ hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán”, tất cả mọi người đều phải chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

1.5. Cách thức thực hành tiết kiệm

Theo Người, “thực hành tiết kiệm phải đi đôi với tăng gia sản xuất”. Muốn thực hành tiết kiệm thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống lãng phí. Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Tuyệt đối không được phát động phong trào rồi “đánh trống bỏ dùi” để tránh sự “nhờn thuốc” và làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ.

Mỗi người cần phải thường xuyên tiến hành tự kiểm điểm công tác thực hành tiết kiệm của mình trên tinh thần tự giác, phải dựa vào quần chúng và phải phát động phong trào thi đua của quần chúng về tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết kinh nghiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân và tập thể; nghiêm khắc kỷ luật những kẻ không chịu sửa lỗi dù đã bị nhắc nhở, khen thưởng những người làm tốt và khuyến khích những người đang cố gắng làm tốt.

Tích cực tuyên truyền giải thích để cho mọi người hiểu rõ lợi ích của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Người, khi quần chúng hiểu rằng, tiết kiệm vì lợi ích của họ, chống lãng phí cũng vì chính bản thân họ, quần chúng nhân dân sẽ tự ý thức mà khinh ghét sự lãng phí. Do vậy, “người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”.

2. Một số điểm chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí

2.1. Các hình thức lãng phí cần phải chống:

Lãng phí sức lao động. Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, nên sinh ra lãng phí sức lao động. Người chỉ rõ, trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo.

+ Lãng phí thời giờ. Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Người chỉ ra thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.

+ Lãng phí tiền của nhà nước, cơ quan, của cá nhân. Biểu hiện ở nhiều mặt: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm. Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý. Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để. Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng. Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn. Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất. Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn. Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm. Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma…

2.2. Nguyên nhân của lãng phí:

“Do quan liêu, thiếu trách nhiệm”, do “lập kế hoạch không chu đáo”, do “tính toán không cẩn thận”, hoặc “vì xa xỉ, phô trương hình thức…”.

2.3. Tác hại của lãng phí:

“Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng lại rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn tham ô”. “Để lãng phí như gió vào nhà trống, tham ô có tội, lãng phí cũng có tội, nhân dân giao tiền của cho mình, để lãng phí là có tội với nhân dân”. Bởi vậy, phải tích cực chống lãng phí. “Mọi ngành, mọi người, mọi tổ chức phải ra sức thi đua… Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí”

Theo Hồ Chí Minh, lãng phí cùng với tham ô và bệnh quan liêu là “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính. Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.

2.4. Tầm quan trọng của chống lãng phí:

Theo Người, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”.

III. Một số giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Chi bộ

 Thứ nhất, toàn thể cán bộ, đảng viên trong Chi bộ Tòa Kinh tế phải luôn thấm nhuần lời Bác Hồ dạy về nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, luôn đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 Thứ hai, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thường xuyên phù hợp với  chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của đơn vị các cán bộ, đảng viên trong Chi bộ nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa thời gian vào việc có ích. Luôn gương mẫu, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả.

Thứ ba, tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể, của nhân dân; không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức; biết sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước, của tập thể, của chính mình một cách có hiệu quả.

          Chi bộ Tòa Kinh tế