Thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tòa án nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2019, lập thành tích thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm theo tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước” do Hội đồng Thi đua – khen thưởng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau phát động, Chi bộ Tòa Kinh tế chọn chuyên đề “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để sinh hoạt trong Quý III năm 2019.

I. Sự cần thiết phải phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư:

Hồ Chí Minh khẳng định: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Người quan niệm: đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện thường xuyên trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mình.

Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Người dạy: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Chính tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là sự quy tụ đặc sắc nhất những giá trị của đạo đức cách mạng của Người. Đặc biệt, việc Hồ Chí Minh giải thích cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư bằng thực tiễn, bằng tấm gương rèn luyện đạo đức cần mẫn hằng ngày của Người đã củng cố thêm giá trị những phẩm chất này, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.

Đối với người cán bộ Tòa án, việc phấn đấu cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư lại càng thêm cần thiết và phải là sự phấn đấu xuyết suốt của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị trong hệ thống Tòa án nhân dân.

II. Nội dung chuyên đề:

Theo Bác, cần có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu và trong sản xuất; cần còn có nghĩa là làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ. Cần mà không có trí tuệ thì đó cũng chỉ là bán thân bất toại.

Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý nhằm mục đích mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không tham sung sướng; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình.

Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái.

Chí công vô tư là mình vì mọi người; luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu; khi khó khăn thì đi trước, hưởng thụ sau; không tham tiền tài, địa vị, danh vọng, chỉ có một mục đích cao nhất là làm sao để cuộc sống của nhân dân no đủ, hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”“lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Bác Hồ thực hành triệt để tất cả những quan niệm đạo đức mình đưa ra, thậm chí Người còn làm nhiều hơn, tốt hơn những gì Người nói.

Trong công việc, Bác sắp xếp có kế hoạch, giờ nào việc ấy và bằng mọi cách duy trì thời gian biểu đã vạch ra. Người thường xuyên suy nghĩ để đổi mới cách nghĩ, cách làm, tìm tòi những biện pháp tối ưu để công việc được tiến hành nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất.

Không chỉ xây dựng kế hoạch làm việc của cá nhân, Bác còn phân công hợp lý công việc cho mọi người, để ai cũng có thể làm đúng năng lực, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản của mình. Đặc biệt, trong công việc và sinh hoạt đời thường, Bác luôn tôn trọng nhân cách người khác; Người biết nâng cao con người lên, khuyến khích, động viên để con người thấy rõ giá trị đích thực của cuộc sống, có khát vọng sống làm người mãnh liệt và có ý nghĩa. Người tin tưởng ở tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của mọi người, nhưng không bao giờ sao nhãng việc kiểm tra, đánh giá công việc của từng người, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân cần cù, sáng tạo trong công việc.

Bác Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, giữ liêm khiết, trong sạch trở thành phong cách riêng của Người ở mọi lúc, mọi nơi. Người sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác.

Bác là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, chống lại những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước để các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước thật sự trong sạch, đại diện cho nhân dân, Bác có thái độ rõ ràng, công minh trước công và tội của từng cá nhân. Người viết nhiều bài báo giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên không được phép làm “quan cách mạng”, phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức, có quyền. Người chỉ ra hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức mà các hành vi phạm tội gây ra, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn day dứt với một suy nghĩ: Người chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước. Vì thế, Người từ chối mọi danh hiệu, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, bạn bè quốc tế dành riêng cho Người. Năm 1963, khi biết tin Quốc hội định trao tặng Người Huân chương Sao vàng cao quý, Hồ Chí Minh đã phát biểu rất chân thành: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”. Và Người mong muốn: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc – Nam xum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

III. Đánh giá việc thực hiện nội dung chuyên đề trong chi bộ, đơn vị

Mỗi cán bộ, đảng viên Tòa Kinh tế đã và đang học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc nhỏ cho đến việc lớn trong công tác cũng như trong cuộc sống: Cần cù, siêng năng làm việc, bố trí công việc một cách khoa học để nâng cao hiệu quả công việc; Tiết kiệm thời gian, không làm việc riêng, không chơi game, không xem phim trong giờ làm việc; Không tham của cải vật chất, không tư lợi, không vòi tiền đương sự hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến sự khách quan trong giải quyết án; Luôn bảo vệ lẽ phải trong thực thi nhiệm vụ, lên án những cái xấu, cái ác; Luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên hàng đầu, không gây phiền hà cho đương sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ với đơn vị. Học tập tư tưởng của Bác, cán bộ Tòa Kinh tế luôn đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tránh gây bức xúc cho đương sự trong việc kéo dài thời gian giải quyết, hướng dẫn tận tình cho đương sự, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo.

IV. Một số giải pháp:

Từ yêu cầu thực tiễn khách quan, từ ý thức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính. Đối với hệ thống Tòa án nhân dân thì sự liêm chính cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Sau đây là một số giải pháp để học tập có hiệu quả "Cần, Kiêm, Liêm, Chính, Chí công vô tư" theo Bác.

Một là, cần tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức rõ thế nào là "Cần, Kiêm, Liêm, Chính, Chí công vô tư". Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khích lệ ý thức giác ngộ, tinh thần tự phê bình, tự giáo dục để khắc phục khuyết điểm và những thói hư tật xấu trong mỗi người và trong bộ máy của Chính phủ. Đồng thời, Người rất coi trọng công tác tổ chức, kiểm soát của các cấp, các ngành đối với cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực hiện chữ liêm; giám sát tình hình tuân thủ và chấp hành pháp luật, quy định và các quyết định của chính quyền đối với các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ; chú trọng xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi, những con người bất liêm, cho dù họ là ai. Qua đó, cảnh tỉnh mọi người tránh xa hành vi bất liêm và tạo dựng niềm tin trong xã hội. 

Những biểu hiện của bất liêm không thể bị tiêu diệt nếu chỉ bằng tu dưỡng ý thức đạo đức hay giáo dục mà nó chỉ có thể bị đánh bại bằng cơ chế, bằng sự trừng trị của pháp luật. Chính vì vậy, cần chủ động đấu tranh với những biểu hiện của bất liêm, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi bất liêm mới có thể củng cố, tăng cường được khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đấu tranh chống lại thói bất liêm là để bảo vệ kỷ cương phép nước, bảo vệ đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc, bảo vệ công bằng, bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường thuận lợi, lành mạnh cho phát triển đất nước.

Hai là, người đứng đầu đơn vị phải là người tiên phong trong việc thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để làm gương cho cấp dưới. Do đó, mỗi cán bộ, công chức, người lao động phải tự nhủ rằng "tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân" và người đứng đầu đơn vị là người phải là người gương mẫu, đi đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện và phát huy những phẩm chất Bác Hồ đã dạy ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc để cấp dưới noi  theo.

Ba là, trong thi hành pháp luật, cái khó nhất là phải bảo đảm được tính vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng đối với mọi công dân trước pháp luật, vì vậy người cán bộ Tòa án phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân bày tỏ chính kiến của mình. Từ đó góp phần nâng cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân để họ không đút lót, không hối lộ cho cán bộ. Sự liêm khiết không chỉ cần thiết đối với người cán bộ, công chức, viên chức mà đối với nhân dân cũng vô cùng quan trọng. Bác đã từng nói “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước thì sự phát triển con người ngày càng được chú trọng. Để dân giàu, nước mạnh thì mỗi cá nhân nói riêng, mỗi cơ quan, đơn vị nói chung phải cố gắng từng ngày, từng giờ để nâng cao hiệu quả công việc. Là một cơ quan thực thi pháp luật, là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, trước tiên người Cán bộ Tòa án phải thấm nhuần tư tưởng "Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư" thì mới đảm bảo sự khách quan trong giải quyết án cũng như tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người Cán bộ Tòa án trong nhân dân.