I. Sự cần thiết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm “tự soi, tự sửa”

“Tự soi, tự sửa” được hiểu là tự mình nhìn vào chính mình, tự mình đánh giá, nhận xét về mình trong cả nhận thức và hành động nhằm phát hiện sai phạm, yếu kém của bản thân từ đó tìm ra nguyên nhân, giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục, sửa chữa. Khi đã nói “tự soi, tự sửa” là muốn nói đến sự tự nguyện, tự giác, sự dũng cảm, sự cầu thị đối với những hạn chế, khuyết điểm. Đây được coi là công việc khó khăn, nhiều thử thách; là cuộc đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu trong mỗi con người, là thử thách đối với bản lĩnh của mỗi người khi đứng giữa sự cầu thị và tính bảo thủ, giữa mặt tốt và mặt xấu trong chính mình; là thử thách thực sự đối đòi hỏi mỗi người muốn tiến bộ phải có quyết tâm cao, dũng khí lớn để vượt qua chính mình.

Qua “tự soi”, mỗi cán bộ, đảng viên còn nhìn nhận thấy năng lực, thế mạnh, mặt tốt của bản thân để tiếp tục phát huy theo hướng đúng đắn, theo con đường cách mạng chân chính chứ không ngủ quên trên hào quang, tự thỏa mãn; là thấy cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy, nhận rõ cái xấu, cái sai để quyết tâm sữa chữa, khắc phục. Chỉ khi mỗi người nhận định đúng, đủ, công tâm về hai mặt tốt-xấu, đúng-sai, giữa năng lực và hạn chế của chính mình thì khi đó mới phát huy hết giá trị của bản thân, mới ngày càng tiến bộ. "Tự soi, tự sửa" là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giúp cho mỗi người nhận diện rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn những biểu hiện suy thoái trong nội bộ; xác định rõ hơn trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Bởi vì, các biểu hiện suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ yếu từ mình mà ra và tự mình là chính. Cho nên, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình soi xét, khi thấy có biểu hiện suy thoái phải quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục.  

Trong hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, đảng viên, vấn đề tư cách được Người đặc biệt quan tâm. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927), ở trang đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 23 điểm thuộc tư cách một người cách mạng, trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn về đạo đức, thể hiện chủ yếu trong 3 mối quan hệ cơ bản nhất của con người: Quan hệ với mình, quan hệ với mọi người và quan hệ với công việc. Đáng lưu ý là trong ba mối quan hệ lớn nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định quan hệ “đối với tự mình” là trên hết, trước hết để tự soi, tự sửa, tự rèn luyện bản thân. Bởi lẽ, đối với tự mình là rất khó. Tự “mổ xẻ” mình đâu có dễ. Kẻ thù ở trong mình không thể dễ dàng gì tiêu diệt được. Cán bộ, đảng viên thường mắc các chứng bệnh như tự cao tự đại, bệnh lười biếng, ích kỷ, bệnh ham danh vị, ưa người ta nịnh mình, do lòng yêu ghét của mình mà đối với người, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau... Cán bộ mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc. Vì vậy, Người yêu cầu phải ráo riết dùng tự phê bình và phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên chân lý cuộc sống: Đá đi lâu cũng mòn, sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Vấn đề cốt yếu là mỗi người phải có dũng khí rèn luyện thường xuyên, hàng ngày.

II. Đánh giá tình hình thực hiện nội dung chuyên đề trong Chi bộ

1. Những mặt làm được

Nắm được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc "tự soi", "tự sửa", mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình với tinh thần đoàn kết, xây dựng, dân chủ, thẳng thắn, chân thành; làm tốt việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống gắn với thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt những điều đảng viên không được làm; không có trường hợp nào có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bí thư Chi bộ, Lãnh đạo Phòng thường xuyên nắm bắt, lắng nghe những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên để có định hướng, chỉ đạo kịp thời. 

Trong sinh hoạt Chi bộ và Phòng hàng tháng cũng như kiểm điểm hằng năm, từng đảng viên tự soi mình gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, xem bản thân hoàn thành chức trách, nhiệm vụ đến mức độ nào, còn hạn chế hay vướng mắc gì. Trên cơ sở từng người tự nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm, tập thể chi bộ, Phòng sẽ đóng góp ý kiến cho mỗi cá nhân. Những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên được tập thể chỉ ra đều được các thành viên thẳng thắn nhìn nhận và từng bước khắc phục, sửa chữa. Qua đó, nhằm phát huy tính tiên phong gương mẫu, trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi đồng chí; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức cũng như hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, xác định việc “tự soi, tự sửa” phải là việc làm thường xuyên, bền bỉ, cần được thực hành, rèn luyện liên tục và gắn liền với thực tiễn công việc, cuộc sống hàng ngày.

2. Những mặt còn hạn chế

Thời gian qua, cán bộ, đảng viên trong Chi bộ đã thực hiện tốt "tự soi", "tự sửa"; thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm và khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của một số đảng viên còn chậm, chưa phát huy hết tinh thần "tự sửa" những khuyết điểm, hạn chế của bản thân.

III. Giải pháp

Một là, cán bộ đảng viên phải tự nâng cao ý thức tự giác giáo dục bản thân; phải nhận thức đúng, đủ về tự soi, tự sửa. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm rõ “tự soi, tự sửa” là việc làm cấp thiết trong rèn luyện, công tác, sinh hoạt để hoàn thiện bản thân hơn. Việc tự soi, tự sửa cần thực hiện thường xuyên, công tâm, khách quan.

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao công tác phê bình và tự phê bình. Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện đúng phương pháp, nghiêm túc, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, mềm dẻo, khéo léo để đảng viên có khuyết điểm nhận ra khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn để tiếp thu các ý kiến phê bình, định hướng đúng đắn cách sửa chữa khuyết điểm.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo trong công tác. Chất lượng hiệu quả công việc phụ thuộc vào trình độ năng lực của người cán bộ, đảng viên, hay nói cách khác chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính là thước đo năng lực của người cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là chế độ, quy định bắt buộc.

Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò gương mẫu trong mọi hoạt động. Người đứng đầu đơn vị phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cũng như kịp thời khắc phục những lệch lạc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chi bộ Phòng TCCB,TT&TĐKT