I. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và sự cần thiết của rèn luyện phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, theo Người, đạo đức là cái căn bản nhất của người cán bộ cách mạng, “mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, những phẩm chất đạo đức được Người nêu ra là phù hợp với từng đối tượng, có khi người nhấn mạnh phẩm chất này hay phẩm chất khác là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng Việt Nam ở từng giai đoạn nhất định. Từ đó người đã khái quát thành những phẩm chất chung, cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Trong những phẩm chất đó thì phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được người đề cập nhiều nhất bởi phẩm chất này gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người; gắn liền giữa lời nói và việc làm, giữa suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân trong đời công cũng như đời tư, trong sinh hoạt cũng như trong công tác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích ý nghĩa và mối liên quan của những từ này một cách đơn giản, rõ ràng và rất dễ hiểu.

Cần, là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai, sáng tạo, có năng suất cao với tinh thần tự lực cách sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Đối với mình: “Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo… Phải siêng năng, tiết kiệm”; Đối với người: “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở… Không nên ghen ghét đố kỵ”; Đối với công việc: “Phải suy nghĩ cho kỹ… Phải cẩn thận…”

Kiệm, là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, tiết kiệm sức lao động, thì giờ, tiền của của dân, của nước, của bản thân mình, phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức.

Liêm, là “trong sạch không tham lam”, là liêm khiết, “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công, của dân”, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc nào của Nhà nước, của Nhân dân; “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quan minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Chính, là “không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”, đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình, đối với người thì không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Người cán bộ muốn trở thành người cách mạng chân chính có năm điều cần ghi nhớ: “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” và phải luôn nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, bởi “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn khác chính là vô lý”.

Chí công, vô tư, là hoàn toàn vì lợi ích chung, không vì tư lợi; là hết sức công bằng, công tâm, không chút thiên tư, thiên vị, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, trước hết; chỉ biết vì Đảng, vì dân tộc, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; là đem lòng chí công, vô tư mà đối với người, với việc, khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dù khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân… Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo không khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta… Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính trọng, lễ phép với dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công, vô tư”.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Theo Bác: “Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm làm chừng nào xào chừng ấy… Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được”. Chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Liêm cũng như chữ Liêm phải đi đôi với chữ Cần. Có kiệm mới có liêm được, “vì xa xỉ mà sinh ra tham lam”. “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của Chính như một cây có gốc, rễ lại cần có cành lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có cần, kiệm, liêm, chính nữa mới hoàn toàn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Cần, kiệm, liêm, chính là đạo đức của một xã hội hưng thịnh: Nếu không có những phẩm chất đó thì xã hội suy vong. Do đó, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, chí công, vô tư, một lòng, một dạ vì Đảng vì dân thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính và được nhiều đức tính tốt khác.

Thực tiễn cách mạng đã khẳng định rằng, đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng là tiêu chuẩn phấn đấu, tiêu chí để phân loại, đánh giá chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.

Tuy nhiên bên cạnh những tấm gương tiêu biểu đó, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trước công việc, chức trách được giao; lười học tập, ngại rèn luyện, sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh; quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Do đó, việc đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một yêu cầu vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách, trước mắt của sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay.

II. Thực trạng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” của cán bộ, đảng viên trong Chi bộ

Chi bộ và đơn vị Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng có 06 đảng viên, với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc lãnh đạo Tòa án tỉnh thực hiện các mặt về công tác cán bộ, công tác thanh tra và công tác thi đua khen thưởng đối với Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau. Khối lượng công việc của đơn vị nhiều, tính chất công việc rất quan trọng, đòi hỏi đảng viên và công chức đơn vị phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tận dụng hết quỹ thời gian, làm việc hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian qua, Chi bộ luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn. Lãnh đạo Chi bộ đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, đặc biệt là việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Tòa án “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

- Về rèn luyện phẩm chất “Cần”

Chi bộ đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên phải làm việc cần cù, siêng năng trong tất cả các công việc nói chung. Ngoài công việc chuyên môn, các đảng viên trong Chi bộ còn tích cực tham gia chăm sóc cây xanh và làm vệ sinh khuôn viên cơ quan đảm bảo môi trường xanh – sạch – đẹp; tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do Tòa án nhân dân tối cao và địa phương tổ chức. Từ đó tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn thể đơn vị.

Cán bộ, đảng viên trong Chi bộ đều cần cù, siêng năng trong nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ cho công việc ngày càng tốt hơn. Đến nay Chi bộ có 04 đồng chí có trình độ trung cấp chính trị, 01 đồng chí có trình độ sau đại học (03 đồng chí đang đào tạo sau đại học).

- Về rèn luyện phẩm chất “Kiệm”

Cán bộ, đảng viên của Chi bộ luôn có ý thức tiết kiệm, giữ gìn và bảo vệ tài sản của cơ quan, đơn vị như tiết kiệm điện sinh hoạt, điện thoại, nước sinh hoạt, văn phòng phẩm; không sử dụng xe công của cơ quan vào công việc riêng; trong quá trình đi công tác luôn tính toán lộ trình sao cho thích hợp nhất để tiết kiệm kinh phí của cơ quan, đơn vị…

- Về rèn luyện phẩm chất “Liêm, chính, chí công, vô tư”

Cán bộ, đảng viên trong Chi bộ luôn thể hiện thái độ tôn trọng người dân, đồng nghiệp, lắng nghe ý kiến và hướng dẫn nhiệt tình mọi thủ tục để người dân thực hiện đúng, không gây phiền hà, sách nhiễu, luôn ngay thẳng chính trực, không dựa dẫm, không né tránh, luôn rất công tâm, công bằng đối với tất cả mọi người dân, không phân biệt đối xử.

Cán bộ, đảng viên của Chi bộ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, không sa ngã trước những cám dỗ của vật chất, giữ gìn được cái tâm trong sáng và đạo đức nghề nghiệp.

Qua học tập Bác phong cách làm việc, ứng xử trong thi hành công vụ, ứng xử nơi công sở, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên trong Chi bộ được cải thiện rõ rệt; thực hiện nghiêm túc, tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; tập thể đơn vị đoàn kết, người đi trước có trách nhiệm, hướng dẫn, giúp đỡ người đi sau; lãnh đạo đơn vị luôn noi gương cho cán bộ noi theo để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng ý thức trách nhiệm trong công tác cũng như trách nhiệm với nhân dân.

Kết quả hàng năm, tập thể và cá nhân chi bộ đều đạt từ hoàn thành tốt đến hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.

Bằng những việc làm cụ thể, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” rèn luyện phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” có tác động tích cực đến cán bộ, đảng viên trong Chi bộ. Từng lời dạy của Bác đã được đảng viên cụ thể hóa bằng hành động, việc làm, góp phần nâng cao vai trò của ngành Tòa án tại địa phương.

III. Một số giải pháp để rèn luyện phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Việc Bộ Chính trị ban hành chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một “Chủ trương lớn vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hơn lúc nào hết chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động bằng nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chống thói quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” quyết tâm xây dựng nếp sống đẹp, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, nói phải đi đôi với làm. Phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, hết lòng vì nhân dân phục vụ. Nhân cách, uy tín người cán bộ, đảng viên không phải chỉ ở văn bằng, chứng chỉ được đào tạo mà quan trọng là ở năng lực thực tiễn, hiệu quả công việc.

Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những giá trị đạo đức cao đẹp mà mỗi con người cần phải tu dưỡng rèn luyện để hướng tới. Do đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ngày nay khi mà những vấn đề về đạo đức con người, những giá trị chân, thiện, mỹ đang có nguy cơ bị xói mòn.

Chi bộ Phòng TCCB,TT&TĐKT