1. Mục đích, phạm vi của chuyên đề

Hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2022. Tại chuyên đề sinh hoạt quý II, Chi bộ Tòa Hình sự đã thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về làm việc trách nhiệm, khoa học, đổi mới: Tự ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc chung, cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Các cán bộ, đảng viên đều thực hiện công vụ theo nguyên tắc “Cán bộ, đảng viên là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”.

Trong quý này, Chi bộ Tòa Hình sự thực hiện xây dựng và triển khai sinh hoạt chuyên đề: Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường. Chuyên đề này chủ yếu tập trung ở phạm vi gắn liền với chức năng nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên tại Chi bộ Tòa Hình sự. Mục đích của chuyên đề nhằm để tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ tìm hiểu, học tập, noi theo tư tưởng của Bác bằng hành động và việc làm cụ thể trong thực tiễn công tác.

2. Nội dung chuyên đề

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam noi theo. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường là tư tưởng lớn giúp cách mạng ta giành thắng lợi vẻ vang trước thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ thắng lợi to lớn đó, đã cổ vũ nhân dân ta chủ động, kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử. Đất nước hoàn toàn độc lập, người dân được tự do, hạnh phúc. Khi nói về ý chí tự lực, tự cường trong đấu tranh cách mạng, Người thể hiện rõ quan điểm: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), Người viết: “Chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”. Người nhấn mạnh vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”.

Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Người nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946, Người vận động: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Trong Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ngày 17/7/1966, Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Từ những quan điểm nêu trên, cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng; là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân; là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam hùng cường tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân tộc từng bước hiện thực hóa trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới phát triển đất nước trong hơn 35 năm qua và trong những chặng đường tiếp theo. Kết quả, thành tựu đem lại “rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc. Mỗi cá nhân cần tự bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực, đổi mới trong tư duy sáng tạo góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà. Mỗi Đảng viên cần biết tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc.

3. Cán bộ, Đảng viên chi bộ Tòa Hình sự vận dụng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Để học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, cán bộ đảng viên Tòa Hình sự cần phải hiểu rõ và thấm nhuần tư tưởng “Tự lực”; “Tự cường”. “Tự lực” có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác. Tuy nhiên, tự tực là yếu tố nội lực, muốn phát huy mạnh mẽ, thực hiện có hiệu quả hơn yếu tố này trong công tác thì cần phải có sự kết hợp hài hòa với các yếu tố tác động của bên ngoài như tranh thủ sự hỗ trợ của đồng chí, đồng nghiệp; tự đánh giá được khả năng đảm nhiệm công việc của mình để tranh thủ sự giúp đỡ của mọi người giúp công việc được thực hiện tốt hơn. Nếu không có sự kết hợp như thế có thể vô tình biến sự tự lực biến tướng thành tự ti, cố chấp, cô lập trong công tác. Còn “tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác; ý nghĩa lớn lao hơn nữa của tự cường là cùng giúp đỡ đồng nghiệp vươn lên trong công tác, sức mạnh của sự tự cường được phát huy cao độ khi sức mạnh đó không còn mang tính chất cá nhân mà nó là tinh thần tập thể.

Có thể khẳng định: Tự lực, tự cường là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Muốn noi theo Hồ Chí Minh về ý chí tự cường thì trước tiên phải học tập, rèn luyện cho mình ý chí tự lực. Tự lực trong công tác, tự lực trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, tự lực xử lý các mối quan hệ xã hội mà người đảng viên cần phải thực hiện; đồng thời cũng phải tranh thủ các yếu tố hỗ trợ bên ngoài của đồng nghiệp, không biến tự lực thành tự ti, cố chấp, cô lập. Có thể nói, tự lực sẽ là bàn đạp, là bước đệm tiên phong, giải phóng mạnh mẽ tin thần tự cường của bản thân.

Hiện nay, Chi bộ Tòa Hình sự đang trong tình trạng thiếu về nhân sự; đặc biệt là Thư ký viên. Quý III là quý kết thúc năm công tác của ngành Tòa án, lượng án thụ lý nhiều hơn so với các quý trước, việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết án để đáp ứng các chỉ tiêu cơ quan đề ra đã tạo ra áp lực lớn cho các cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Vì vậy, đòi hỏi bản thân của mỗi người phải tự lực trong công tác, không trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của người khác. Sự tự lực để vươn lên tự cường không xuất phát từ một cá nhân mà nó gắn liền với tinh thần đoàn kết tập thể.

4. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

- Tập thể Tòa Hình sự phải chủ động trong công tác xét xử các vụ án hình sự, tự xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn trong phạm vi phân quyền thực hiện. Tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan nhưng tuyệt đối không trông chờ và ỷ lại.

- Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp để đảm nhiệm hoàn thành công việc của mình, phải có cách làm khoa học, sắp xếp công việc phù hợp, có kế hoạch cụ thể, thường xuyên tiếp cận công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho công việc hằng ngày.

- Mỗi cán bộ, đảng viên tinh thần cầu tiến, có quyết tâm thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu của ngành đề ra đối với cá nhân nhằm góp phần làm nên thành tích xuất sắc của tập thể chi bộ và cơ quan.

- Trong công tác xét xử, cán bộ, đảng viên Tòa Hình sự chủ động lên lịch, kế hoạch xét xử, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, cũng như dự đoán diễn biến của các phiên tòa để đảm bảo mở phiên tòa đúng kế hoạch.

Chi bộ Tòa Hình sự