I. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh

Trong công tác cán bộ, việc đánh giá và sử dụng cán bộ là các khâu cực kỳ quan trọng. Đánh giá chính xác cán bộ là cơ sở cho việc quyết định bố trí, sử dụng hợp lý, tạo động lực mạnh mẽ, động viên cán bộ cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ không đúng, không chính xác có thể dẫn đến sử dụng cán bộ một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu của từng cá nhân, thậm chí làm xáo trộn tâm lý của cả một tập thể, gây nên sự trầm lắng, trì trệ trong công việc. Bởi vậy, đánh giá và sử dụng cán bộ phải được xem xét, thực hiện thống nhất trên nền tảng những quan điểm và phương pháp đúng đắn, khoa học.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá, bố trí cán bộ luôn coi trọng 03 yếu tố: Phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn. Trong đó phẩm chất đạo đức là tiêu chí hàng đầu, là "gốc" của người cán bộ, nâng cao đạo đức là cơ sở  cho sự phát triển tài năng của người cán bộ, vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc. Đạo đức của người cán bộ, đảng viên được nâng cao càng tăng thêm động lực tinh thần thôi thúc người cán bộ vượt lên mọi khó khăn thử thách để nâng cao trình độ trí tuệ của mình. Người cán bộ có trình độ, có năng lực nhưng nếu không có phẩm chất đạo đức tốt cũng không được dân tin. Khi không được tin sẽ không được ủng hộ, dẫn đến khó hoàn thành nhiệm vụ. Một người có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt sẽ được mọi người nể phục, ủng hộ.

Về năng lực: Người có năng lực nếu được đào tạo tốt sẽ phát huy được khả năng. Bởi năng lực như là cái vốn có, còn trình độ là cái được bổ sung. Trong thực tế không ít cán bộ tuy không được học hành đầy đủ nhưng trong quá trình công tác họ tự rút ra nhiều kinh nghiệm hay, chịu khó tổng kết nên có được những phương pháp, cách làm hiệu quả. Để người có năng lực phát huy tốt năng lực, công tác cán bộ cần khách quan, công tâm trong đánh giá, bố trí cán bộ và phải tạo mọi điều kiện để họ phát huy năng lực của mình cống hiến cho đơn vị. Tránh tình trạng định kiến, thiếu khách quan, thiếu công tâm làm thui chột người có năng lực, cản trở đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan.

Về trình độ: Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi đầu tiên của người cán bộ là phải có trình độ. Muốn có trình độ tất yếu người cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp và tự đào tạo, rèn luyện qua thực tế công tác, cả về chuyên môn và trình độ chính trị. Người cán bộ lãnh đạo có trình độ chuyên môn giỏi sẽ thuận lợi trong việc chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh trình độ chuyên môn, đòi hỏi phải có trình độ lý luận chính trị, nắm chắc các quy luật vận động của cuộc sống, biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị. Một cán bộ có chuyên môn giỏi, có trình độ lý luận vững vàng sẽ có lợi thế lớn trong công tác lãnh đạo quản lý.

II. Thực tiễn công tác tham mưu đánh giá, bố trí cán bộ tại Phòng Tổ chức, Thanh tra và Thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng là bộ phận tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo cơ quan về công tác tổ chức cán bộ tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau. Trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo về các nội dung công tác cán bộ trong phạm vi được phân cấp quản lý như bố trí phân công công tác, quy hoạch, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ.

Xác định công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt trong công tác tổ chức cán bộ. Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng luôn chủ động tham mưu cho lãnh đạo hàng năm rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Tòa án nhân hai cấp; chú trọng nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài; kịp thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí công tác phù hợp nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức tại Tòa án nhân dân hai cấp.

Tham mưu kịp thời trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Thẩm phán và chức vụ lãnh đạo quản lý tại TAND hai cấp bảo đảm công khai, dân chủ, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế đơn vị. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan năng lực cán bộ, nhận xét quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ được bổ nhiệm một cách công tâm, minh bạch nhằm hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác tại đơn vị TAND hai cấp. 

3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đánh giá, bố trí cán bộ tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau

Thứ nhất, Phải đánh giá, bố trí cán bộ đúng năng lực, sở trường và có phẩm chất, nhất là cán bộ chủ chốt các đơn vị, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, tránh trường hợp “Vì người mà bố trí việc”.

Thứ hai, Khi nhận xét đánh giá cán bộ không thể chỉ xem xét một lúc, một thời điểm, một thời gian ngắn hoặc chỉ thấy hiện tại mà không cần có thời gian dài, có một quy trình. Bởi vì mọi việc đều có thể biến chuyển, con người cũng có thể thay đổi về nhiều mặt nên không thể nhận xét cán bộ cố định bất biến mà phải trong quy trình vận động, biến đổi.

Thứ ba, Tăng cường trách nhiệm đánh giá và sử dụng cán bộ của cấp có thẩm quyền và người đứng đầu các đơn vị.

Thứ tư, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, tránh các trường hợp để sai sót kéo dài tạo dư luận không tốt trong cán bộ đảng viên. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, nhất là công tác kiểm tra công vụ để đánh giá phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên và xét thi đua khen thưởng.

Thứ năm, Công tác đánh giá, bố trí cán bộ liên quan đến các đảng viên, các chi bộ trong Đảng bộ. Các Chi bộ cần chú trọng quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên.

Chi bộ Phòng TCCB, TT & TĐKT​