Thực hiện Chỉ thị số: 01/2020/CT-CA ngày 09/01/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Tòa án.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chỉ thị có nội dung phải quán triệt ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020 và với chủ đề hành động của năm 2020 tiếp tục được xác định là “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”.

Trên cơ sở đó, Chi bộ Tòa gia đình và người chưa thành niên chọn chuyên đề: “Kỷ luật, kỷ cương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

1. Kỷ luật, kỷ cương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Theo Bác, “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”. Tất cả mọi đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng, bình đẳng trước mọi quyết định, nghị quyết của Đảng. Uy tín chung của Đảng và của mỗi đảng viên trong nhân dân bắt nguồn từ sự gương mẫu, tự giác tuân thủ kỷ luật Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước…; Bác khẳng định mỗi đảng viên có quyền trình bày riêng ý kiến của mình, đề đạt, kiến nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Song, khi có nghị quyết của tập thể phải làm theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, nói và làm theo Nghị quyết của Đảng. Mọi đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được lợi dụng diễn đàn để đả kích tổ chức, phê phán lãnh đạo, bôi nhọ cá nhân một cách bừa bãi.

Theo Bác, đối với mọi đảng viên cộng sản, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi kỷ luật của tổ chức, phải báo cáo, phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị một cách nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo.

Nhìn từ tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Hồ Chí Minh, vấn đề kỷ luật Đảng hiện nay trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng cần hiểu và vận dụng như thế nào?

Trước hết, trong vấn đề giữ gìn kỷ luật, Đảng không cho phép đảng viên coi cái tôi cao hơn tất thảy, không cho phép đảng viên hành xử  bất chấp cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, Điều lệ Đảng, quyết định, quy định của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Hai là, cần đặt vấn đề đảng viên thực hiện kỷ luật Đảng trong khuôn khổ rèn luyện đạo đức Cách mạng.

Ba là, vấn đề kỷ luật Đảng đi đôi với vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân.

Bốn là, thực hiện kỷ luật Đảng chính là sự biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và hành động tích cực chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

2. Xây dựng “Kỷ luật, kỷ cương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”trong Chi bộ Tòa gia đình và người chưa thành niên

Tất cả đảng viên Chi bộ phải ý thức sâu sắc trách nhiệm, quyền hạn của mình trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Phải phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương và đề cao đạo đức cách mạng; phê phán những biểu hiện cực đoan, dân chủ hình thức; trong thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, đúng pháp luật; phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Chú trọng tính độc lập theo pháp luật trong xét xử; bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.

Phải thật sự dân chủ và phải thực hiện nghiêm Hiến pháp, pháp luật;

Tự giác thực hiện nghiêm Quy định 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Trong đó, có yêu cầu cán bộ, đảng viên phải: (1) “Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân”; (2) Về đạo đức, lối sống, tác phong, phải: “Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú”; (3) Về quan hệ với Nhân dân phải: “Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với Nhân dân và cán bộ dưới quyền. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà Nhân dân”.

Qua triển khai chuyên đề “Kỷ luật, kỷ cương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi đảng viên Chi bộ Tòa Gia đình và Người chưa thành niên phải nhận thức sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện theo cách sống và làm việc của Bác. Các hoạt động chuyên môn của Tòa, của từng đồng chí phải gắn với việc học tập tấm gương của Bác.

Chi bộ Tòa Gia đình và người chưa thành niên