I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Sự cần thiết tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về chữ “Chính”

Hồ Chí Minh, cái tên thiêng liêng ấy như hằng sâu trong trái tim và tâm thức của mỗi con người Việt Nam về hình ảnh một vị anh hùng giải phóng dân tộc, một bậc lãnh đạo tài ba của đất nước, với đời sống trong sáng, nếp sống giản dị. Tuy Bác đã đi xa nhưng những gì Bác để lại luôn là kim chỉ Nam soi đường, dẫn lối cho thế hệ sau học tập và noi theo. Nhắc đến Bác là nhắc đến chuẩn mực đạo đức về “Cần, kiệm, liêm, chính” đó là những chuẩn mực đạo đức cốt lõi trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Bốn đức ấy, đức nào cũng quý, cũng cần, Bác Hồ đã ví như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, thiếu một đức thì không thành người. Với chữ “chính”, đức “chính”, Người viết: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà”. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là một cây hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là một người hoàn chỉnh.

“Chính” tức là việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh. Chính không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận, nghĩa vụ, trước hết là nghĩa vụ của mỗi công dân, không chỉ tạo nên giá trị chân chính cho mỗi người mà còn hun đúc nên giá trị cao quý cho cả một dân tộc, một quốc gia. Thực hiện chữ “chính” theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải bắt đầu từ tâm và phải là sự tu dưỡng bền bỉ suốt đời. Đức “chính” là kết quả của cần, kiệm, liêm nhưng không phải cứ thực hiện tốt cần, kiệm, liêm là có “chính”, phải thấy “chính” độc lập tương đối, đồng thời cũng là cái đức khó thực hiện nhất trong bốn đức. Trong đời sống, “chính” có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, vô cùng cần thiết, nhưng không phải ai cũng thực hiện được, nhất là trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta.

Thực hiện tốt đức “Chính” thật sự là niềm tin, là sự công bằng, văn minh và ổn định chính trị, xã hội. Những điều đó đòi hỏi ở mọi người, trước hết là ở cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đang giữ những cương vị, những trọng trách của Đảng và chính quyền các cấp, bởi vì, họ như những tấm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Hiểu được và làm được chữ “chính” trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không hề đơn giản mà nó là niềm tin, là cội nguồn của sự đoàn kết, là biểu hiện của một xã hội chân chính, một Đảng chân chính, một tương lai chân chính, bắt đầu từ mỗi con người chân chính. Từ những lẽ đó, Chi bộ Phòng kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề học tập làm theo Bác về chữ “Chính”, trong quý IV năm 2024.

2. Một số nội dung bài học về chữ “Chính” ở Bác

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực. Trong bài viết trên báo Cứu Quốc ngày 2-6-1949, Người đã chỉ rõ: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia thành 2 hạng: người thiện và người ác. Trong xã hội tuy có trăm công nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: Việc chính và việc tà. Làm việc chính, là người thiện. Làm việc tà, là người ác”. Người cũng chỉ rõ 3 mặt hoạt động của con người trong xã hội:

Với mình, không được tự kiêu tự đại, phải luôn cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình; mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý.

Với người, phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên, xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới.

Với việc, phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, không sợ khó nhọc, nguy hiểm. Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải có sáng kiến, kế hoạch, cẩn thận, quyết làm và làm cho thành công. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước. Lợi cho nước tức là lợi cho mình. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to.

Người căn dặn cán bộ, đảng viên như vậy và Người đã làm đúng như vậy. Nhận được quà biếu của đồng bào, Người đều gửi tặng lại các cán bộ ở gần, hoặc gửi tặng thương binh. Có đoàn cán bộ ngoại giao biếu Bác chiếc điều hoà nhiệt độ, Người bảo đồng chí thư ký đem tặng lại quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh, “vì hôm trước đến thăm, Bác thấy các chú ấy nóng lắm. Bác ở thế này tốt rồi”. Mỗi Tết Trung thu, hay khai giảng năm học mới, Người đều có thư và quà gửi thiếu niên, nhi đồng. Nhận được điện thoại người quen gọi đến, Người đều hỏi thăm sức khỏe rồi mới bàn công việc. Người không bao giờ dùng chữ cho, chỉ nói tôi biếu các cụ hoặc tặng các cháu nhỏ. Mọi suy nghĩ, hành động của Người đều vì lợi ích của nhân dân, gắn bó với nhân dân. Trong Di chúc, Người dặn dò từng tầng lớp nhân dân, dặn dò cả việc đối với những nạn nhân của xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước ta vừa phải giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên người lương thiện.

Mỗi một bài nói, bài viết, một lời căn dặn, một buổi gặp gỡ công tác của Người đều chứa đựng ý nghĩa tư tưởng, hành vi và quan hệ đạo đức cách mạng sáng ngời. Con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đều là tấm gương đạo đức cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam học tập suốt đời.

Năm 1911, năm ấy Bác còn trẻ lắm mới khoảng 21 tuổi. Một hôm anh Ba (tên của Bác hồi ấy), cùng một người bạn đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, rồi bỗng đột nhiên anh Ba hỏi người bạn cùng đi:

- Anh Lê, anh có yêu nước không?

Người bạn đột nhiên đáp:

- Tất nhiên là có chứ!

Anh Ba hỏi tiếp:

- Anh có thể giữ bí mật không?

Người bạn đáp:

- Có

Anh Ba nói tiếp:

- Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?

Anh Lê đáp:

- Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

- Đây, tiền đây - anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay. Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, người bạn đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kĩ về cuộc đi có vẻ phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Còn Bác Hồ đã đi ra nước ngoài, sinh sống bằng chính đôi bàn tay của mình. Bác đã làm nhiều nghề khác nhau: Phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết… và đi khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu dân, cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giải phóng cho dân tộc.

Vào khoảng tháng 7 năm 1944, một máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi ở Hòa An, Cao Bằng. Phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống cánh rừng đã bị du kích địa phương bắt. Lúc này nước Mỹ ở trong phe Đồng minh chống phát xít. Bác gọi cán bộ đến, chỉ thị:

- Tuy ta còn thiếu thốn, nhưng các chú cố gắng cho anh ta ăn uống tương đối, cư xử tử tế, nhân đạo để họ hiểu ta.

Vâng lệnh Bác, cán bộ đã làm như vậy. Phi công Mỹ được ăn với khẩu phần còn hơn cả cán bộ.

Sau đó mấy ngày, Bác cho đưa anh ta đến gặp Bác. Bác hỏi chuyện bằng tiếng Anh. Người phi công vô cùng ngạc nhiên, trố mắt nhìn Bác đầy vẻ kính phục, không sao hiểu nổi ở chốn rừng núi này lại gặp được một ông già gầy guộc, mặc áo chàm với đôi mắt rực sáng lại nói tiếng Anh rất thành thạo, am hiểu phong tục nước Mỹ.

Sao (Shaw) - tên người phi công, tha thiết xin được thả về Bộ Chỉ huy Mỹ đang đóng trên đất Trung Quốc, dù có phải tốn chi phí đến bao nhiêu khi về nước cũng xin Chính phủ Mỹ và gia đình lo chịu.

Bác mỉm cười và giải thích thêm:

- Các anh trong quân đội Đồng minh, cùng chung một mục đích chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình thế giới. Cán bộ cư xử với anh phi công như thế này là thể hiện những cam kết thiện chí chứ không phải dùng anh vào mục đích kiếm lợi.

Sao đã hiểu và càng kính phục, tin tưởng ở Bác. Sau đó, chính anh ta đã được Bác cho theo sang Côn Minh, trao lại cho Bộ Tư lệnh Mỹ.

Bác ở Trung Quốc về được một thời gian, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ điện cho Bác, xin được cử người sang để hợp tác bằng cách họ sẽ cho người nhảy dù xuống căn cứ Tân Trào.

Được Bác giao nhiệm vụ đón 5 người Mỹ này, cán bộ đốt lửa làm ám hiệu cho máy bay biết mục tiêu. Khi họ nhảy dù xuống, cán bộ tập hợp bộ đội hoan hô họ. Họ rất cảm động, trước việc làm đó.

Sau khi tiếp nhận 5 nhân viên tình báo quân sự Mỹ, họ đều được Bác giao nhiệm vụ. Bác chỉ thị thành lập đại đội Việt - Mỹ và chỉ thị tôi làm đại đội trưởng.

Một người Mỹ mang quân hàm thiếu tá tên là Tômát làm tham mưu trưởng đại đội. Lúc đó, tôi còn nhớ là tôi rất tự hào. Tôi thưa với Bác là nếu thiếu tá làm tham mưu trưởng, thì đại đội trưởng gọi là cấp gì, nào ngờ nét mặt Bác nghiêm lại. Bác bảo: Chú phải lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, dù tá hay tướng, đã là một chiến sĩ cách mạng cũng đều lo phục vụ nhân dân cho tốt cả.

Từ ấy đến nay tôi luôn luôn nhớ lời dạy ấy.

(Trích trong Kể chuyện về Bác Hồ – 120 Mẩu chuyện về Bác ngắn, hay và ý nghĩa nhất).

Các câu chuyện trên cho chúng ta lời dạy thấm thía của Bác, nhắc nhở chúng ta về một ý chí kiên định, dũng cảm và sáng suốt, dám nghĩ, dám làm sẽ mang đến cho ta những điều bất ngờ, có khi là cả sự thành công. Trong cuộc sống cũng vậy, cần phải biết san sẻ cùng nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn, đừng dựa vào quyền cao chức rộng mà đàn áp kẻ yếu thế. Sống phải công bằng mới khiến lòng người khâm phục và nể trọng. Trong công việc dù chúng ta có ở vị trí nào thì trước hết phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phải nghỉ đến lợi ích của dân.

Những câu chuyện kể về Bác Hồ thì vô vàn, không thể nào kể hết. Với những mẩu kể chuyện về Bác Hồ đã được chọn lọc trên đây thể hiện tình cảm trân trọng biết ơn, để từ đó, chúng ta biết học tập đức tính “Chính” của Bác và ngày càng hoàn thiện hơn bản thân.

II. HỌC TẬP Ở BÁC VỀ CHỮ “CHÍNH” CỦA PHÒNG KIỂM TRA NGHIỆP VỤ VÀ THI HÀNH ÁN

Là người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân: Bác dạy: “việc có lợi cho dân thì nhỏ mấy cũng làm, việc gì có hại cho dân thì nhỏ mấy cũng tránh”. Noi gương Bác, trong thực thi công vụ, mỗi cán bộ của Phòng luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết. Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nói đi đôi với làm, chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải học tập ở Bác đức tính khiêm tốn, giản dị, thắng không kiêu, bại không nản, không đặc quyền, đặc lợi, tôn trọng nhân dân, lấy niềm vui của họ làm niềm vui cho mình. Phải rèn luyện cách sống “Mình vì mọi người”.

Từ việc học tập và làm theo gương Bác, mỗi cán bộ, đảng viên của Phòng đã thấm nhuần: Đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người. Học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng theo Bác để “phần tốt của mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân”, là sức mạnh để mỗi chúng ta thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình và để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng phồn vinh.

Noi gương Bác về đức tính “Chính”, Chi bộ Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án luôn có ý thức giữ gìn tư cách, đạo đức, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Luôn thẳng thắn, công tâm, khách quan, nghiêm túc thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng với tinh thần cầu thị, trung thực, chân thành với chính mình và với người khác; mỗi cá nhân, mỗi bộ phận, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Tòa án thân thiện với nhân dân, vì nhân dân. Mỗi bộ phận của đơn vị đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn, dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi cá nhân chân chính sẽ tạo ra một tập thể chân chính.

Nếu ở các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, để rèn luyện cho mình chữ “chính” khó một phần thì ở vị trí của công chức ngành Tòa án mỗi người cán bộ sẽ phải phấn đấu ít nhất hơn một lần thì mới giữ được mình trong môi trường nhạy cảm hiện nay. Tại môi trường này, chúng ta càng cần phải tiếp tục học tập Bác, noi gương Bác nhiều hơn nữa đức tính “Cần kiệm liêm chính”.

Với nhận thức trên đã được Chi bộ và tập thể Lãnh đạo Phòng duy trì và thực hiện trong những năm qua, từ đó hàng năm Phòng luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Phòng đã thực hiện tốt về chữ “Chính” nên phần lớn đảng viên công chức của Phòng đều đạt danh hiệu thi đua, tập thể Phòng đã đạt được kết quả cao trong năm 2023: “Tập thể lao động xuất sắc” và Chi bộ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Mặc dù vậy, thực tế vẫn còn cán bộ, đảng viên chưa chưa đề cao chữ “chính” trong thực hiện nhiệm vụ bên cạnh những con người chân chính, mẫu mực cũng còn một bộ phận nhỏ người chưa “chính” trên mỗi góc độ khác nhau… dẫn đến chất lượng công việc của cá nhân đạt hiệu quả chưa được như mong muốn.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Để thực hiện tốt được chữ “Chính” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là: Cán bộ Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án nói riêng và cán bộ công chức ngành Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau nói chung trong thực hiện công việc phải chính chắn, thẳng thắn và đúng đắn hơn. Trong quan hệ hàng ngày ở cơ quan, đơn vị chớ nịnh hót người trên, chớ nên khinh thường người dưới, không dối trá, lừa lọc. Nên chân thành, khiêm tốn, đoàn kết và luôn thực hành chữ “chính”. Đòi hỏi mỗi người phải đặt “công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”. Được giao nhiệm vụ gì, phải làm cho kỳ được.

Hai là: Nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những hành vi và việc làm của bản thân, nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả cao nhất. Phải luôn xác định rõ bản thân là một cán bộ, đảng viên góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng Chi bộ Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án trong sạch, vững mạnh và văn minh, phải xứng đang là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Vì vậy, phải thực hiện  tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình để nâng cao chất lượng sinh hoạt của Chi bộ đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt Phòng. Tự giác nhận khuyết điểm và sai sót của bản thân, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm.

Ba là: Chi bộ phối hợp với lãnh đạo Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án thường xuyên quán triệt cho tất cả cán bộ, đảng viên của Phòng về nội dung, ý nghĩa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về chữ “Chính”. Từng cán bộ, từng cá nhân cố gắng phát huy khả năng của mình, thường xuyên nhắc nhở bản thân và đồng nghiệp phải thực hiện tốt chữ “chính” của người cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, nâng cao trình độ, phải luôn thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, coi đạo đức cách mạng là gốc, dù ở vị trí nào cũng phải tận tụy vì công việc, vì nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải làm, đem lại lợi ích cho dân, tất cả vì nhân dân. Hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung.

IV. KẾT LUẬN

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Thường thường, khi con người biết mình là một nhân vật quan trọng thì không phải lúc nào cũng hồn nhiên và chân thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh không như vậy. Suốt đời mình, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chân thật”.

Do đó, dù là cá nhân hay tổ chức, khi luôn coi trọng tính chân thật, không tô vẽ, đánh bóng, ngụy tạo, chính là biểu hiện của đạo đức, văn minh; chính là lòng tốt của con người. Mà lòng tốt thường tự nhiên, tự quên mình, như khí trời trong lành, như ao thu tĩnh lặng, như tán cây quên bóng mát. Những điều Bác dạy có ý nghĩa đặc biệt trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó có giá trị xuyên suốt từ ngày Bác viết và mãi mãi lâu dài về sau. Mỗi cán bộ, đảng viên tự soi sét lại mình, tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, từ đó đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên Chi bộ Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án phải luôn nhắc nhở bản thân “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”. Làm được điều đó, cũng chính là góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay./.

Chi bộ Phòng KTNV&THA