Quang cảnh buổi sinh hoạt

1. Mục đích, lý do chọn chuyên đề

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Bí thư trung ương Đảng đã quyết định chọn “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” làm chuyên đề học tập năm 2019.

Thiết nghĩ, tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ và chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trước hết mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Chi bộ Văn phòng phải có tác phong, lề lối làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Có như vậy, cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng mới giải quyết các yêu cầu của người dân khi đến Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau liên hệ công việc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, qua đó thể hiện được sự tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo lời dạy của Bác.

Xuất phát từ tình hình thực tế, một bộ phận cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng chưa có tác phong, lề lối làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả nên việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của họ càng trở nên quan trọng và cấp bách nhằm tạo tiền đề để xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân. Chính vì vậy, Chi bộ Văn phòng mạnh dạn xác định “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau” làm chuyên đề sinh hoạt Chi bộ quý II năm 2019.

Với chuyên đề này Chi bộ mong muốn đảng viên cũng như quần chúng Chi bộ thấy được sự cần thiết của nội dung chuyên đề, qua đó giúp cho cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng nhìn lại bản thân, từ đó có phương pháp chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của chính mình, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chung của đơn vị.

2. Nội dung chuyên đề

2.1. Tác phong, lề lối làm việc của người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về tác phong, lề lối làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Người cũng thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Từ kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: một trong những phẩm chất quan trọng của người cán bộ cách mạng là phải có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Ngược lại, người cán bộ, đảng viên không có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, xa rời thực tiễn, ít chịu cập nhật những biến đổi của tình hình, thậm chí chuyên quyền, quan liêu, độc đoán... thì khi thực hiện các nhiệm vụ thường gặp khó khăn, vướng mắc, chất lượng và hiệu quả công việc sẽ không đạt được như mong muốn.

Người đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Người xác định người cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương trong rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc. Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính” và “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã nêu một tấm gương sáng về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm trong tu dưỡng, rèn luyện tác phong, lề lối làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tác phong, lề lối làm việc mỗi cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng, rèn luyện những nội dung sau đây:

Một là, khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện. Người chỉ rõ “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: vì sao có vấn đề này? xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn.

Hai là, làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”. Hết sức tránh chuyện vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực” và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của Nhân dân.

Ba là, phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy. Người từng nói “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải, của cải hết còn có thể làm thêm khi thời gian đã qua rồi không bao giờ kéo lại được.... Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc”. Không nên “nay lần mai lữa”, không ôm đồm, làm quá nhiều việc nhưng làm không dứt điểm, không hiệu quả.

Bốn là, phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý; biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả.

Năm là, sau mỗi công việc người cán bộ, đảng viên phải biết rút ra kinh nghiệm cho lần sau và cho người khác. Người xác định “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.

2.2. Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tác phong, lề lối làm việc

Nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để học tập, vận dụng vào đổi mới tác phong, lề lối làm việc của người cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Tòa án tỉnh Cà Mau nói riêng trong tình hình mới luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả vào thực tiễn, Chi bộ Văn phòng tập trung thực hiện một số nội dung sau đây:

- Thực hiện việc nêu gương của người đứng đầu Chi bộ đặc biệt là Bí thư Chi bộ trong việc chấp hành giờ giấc làm việc để đảng viên, quần chúng trong Chi bộ noi theo.

- Chi ủy, đặc biệt là Bí thư Chi bộ thường xuyên quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng trong Chi bộ để từ đó có biện pháp giúp họ tháo gỡ những khó khăn, qua đó giúp họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Các đảng viên trong Chi bộ mạnh dạn góp ý trên cơ sở xây dựng đối với những đảng viên, quần chúng trong Chi bộ chưa chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc hoặc thiếu tinh thần hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ.

- Chi bộ biểu dương và có hình thức khen thưởng phù hợp đối với những đảng viên, quần chúng thực hiện nghiêm giờ giấc làm việc, có sáng kiến hoặc giải pháp giúp nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.

3. Thực trạng tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

Qua việc thực hiện nhiệm vụ cho thấy một bộ phận cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng chưa có phương pháp làm việc khoa học; thiếu sự năng động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ; đôi lúc thiếu sự hợp tác, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của Văn phòng.

Thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân cụ thể như sau: một bộ phận đảng viên, quần chúng có tư tưởng ngại khó nên chưa mạnh dạn học hỏi, trau dồi kiến thức để tự nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

4. Giải pháp thực hiện nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

Để chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng cần làm tốt một số vấn đề sau đây:

Một là, chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc. Cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng cần đi làm đúng giờ, không đi trễ về sớm, không sử dụng giờ hành chính để giải quyết việc riêng.

Hai là, xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể. Cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng cần xây dựng cho mình kế hoạch làm việc chi tiết, cụ thể, chủ động bố trí, sắp xếp công việc khoa học, ngăn nắp, gọn gàng để sử dụng hiệu quả giờ làm.

Ba là, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cần tích cực suy nghĩ, sáng tạo để tìm giải pháp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.

Bốn là, hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng cần nâng cao ý thức đối với việc hợp tác, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chung của Văn phòng.

Chi bộ Văn phòng