Đến với Côn Đảo là đến với những trang sử hào hùng thông qua các di tích lịch sử còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hệ thống nhà tù Côn Đảo - nơi đã giam cầm và đày ải gần 2.000 chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng - điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà của cả nhiều du khách nước ngoài.

Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần. Đây là nơi tập trung hệ thống cai trị tù khét tiếng bậc nhất của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng và cũng là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng của những chiến sỹ - người tù yêu nước. Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Tận mắt chứng kiến các kiểu lưu đày, nhục hình người tù được tái dựng lại, được nghe kể lại khoảng thời gian hoạt động về tinh thần yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản, với dân tộc Việt Nam của những người con yêu nước, chiến sĩ cách mạng tại nơi đây mà trong lòng mỗi người trong Đoàn bàng hoàng, xót xa, đầy xúc động.

Cùng với đó Đoàn đến thăm Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ hàng chục ngàn hiện vật, hình ảnh lịch sử của đảo; viếng Nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm (từ 1862 đến 1975) và đặc biệt đến dâng hương mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, AHLLVTND Trần Văn Thời và các phần mộ anh hùng liệt sĩ yên nghỉ ở nơi đây. Đoàn còn được tham quan các địa điểm như: Cầu tàu 914, Cảng Bến Đầm, Miếu bà Phi Yến, Chùa Núi Một.

Chuyến đi tìm hiểu lịch sử, tìm về cội nguồn đã để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khó quên và những bài học về niềm tin, sức mạnh của những chiến sỹ cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là dịp để đoàn viên công đoàn gắn kết hơn, chung sức, chung lòng, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một số hình ảnh chuyến tìm hiểu lịch sử:

Tú Anh