1. Mục đích, lý do chọn chuyên đề

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Bí thư trung ương Đảng đã quyết định chọn “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” làm chuyên đề học tập năm 2019.

Xuất phát từ tình hình thực tế: Trong năm 2019, Chi bộ Văn phòng đã thực hiện 03 chuyên đề gồm: “Nâng cao chất lượng trong sinh hoạt Chi bộ”; “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau”; “Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ - Thực tiễn phát huy dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ Văn phòng”. Để làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ Văn phòng chọn thực hiện sinh hoạt chuyên đề quý IV/2019 là: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Chăm lo đời sống Nhân dân”.

Người xưa có câu: “Có thực mới vực được đạo”, đời sống có ổn định thì “Nhân dân” mới yên tâm công tác, phát huy được tính chủ động sáng tạo của các công chức và người lao động trong thực thi nhiệm vụ. Chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trước hết mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Chi bộ Văn phòng phải ổn định đời sống. Có như vậy, cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng mới yên tâm, tận tâm thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chuyên đề tập trung ở phạm vi gắn liền với thực hiện chức năng nhiệm vụ tại Chi bộ Văn phòng. Với chuyên đề này, Chi bộ Văn phòng mong muốn các đảng viên trong Chi bộ tích cực tìm hiểu, học tập và thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những hành động và việc làm cụ thể trong thực tiễn công tác. Qua đó giúp cho công chức và người lao động Văn phòng có phương pháp học tập Bác về “chăm lo đời sống Nhân dân”, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chung của đơn vị.

2. Nội dung chuyên đề

2.1. Chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ước muốn lớn lao, một ham muốn tột bậc, đó chính là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều mang giá trị nhân văn sâu sắc, trước hết vì con người, tất cả vì con người, mà trước hết là Nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.

Sau khi đã tranh được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Kháng chiến và kiến quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác thể hiện đậm nét việc chăm lo đời sống Nhân dân. Trong sự nghiệp kiến thiết Chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Người nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản thân.

Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Hồ Chí Minh luôn luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, “gần dân” thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Khi đi thăm dân, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu “khách ba, chủ nhà bảy” để mang tiếng với dân, Người cũng phê bình việc liên hoan chè chén, lu bù còn phổ biến ở nhiều địa phương và nhắc nhở cần phải sửa chữa.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Theo Người, chú trọng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân là điều kiện cơ bản để thực hành và hoàn thiện dân chủ.

2.2. Tình hình vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “chăm lo đời sống Nhân dân” tại Chi bộ Văn phòng

- Tình hình đời sống của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chi bộ Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau:

Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau có 22 cán bộ, công chức và người lao động, trong đó có 17 đồng chí là đảng viên, 01 đồng chí là Thẩm phán cao cấp, 01 đồng chí là Thẩm phán trung cấp, 02 đồng chí Thẩm tra viên, 05 đồng chí Thư ký, 01 đồng chí kế toán trưởng, 02 đồng chí là kế toán viên, 01 đồng chí là chuyên viên, 03 đồng chí phục vụ, 03 đồng chí lái xe, 03 đồng chí bảo vệ. Về trình độ: Có 03 thạc sĩ, 11 cử nhân, 03 trung cấp và 05 đồng chí trình độ khác.

Nhìn chung, thu nhập của công chức và người lao động Văn phòng khá thấp, nhất là các đồng chí lao động theo hợp đồng như lái xe, bảo vệ, phục vụ. Do không có phụ cấp thâm niên cũng như phụ cấp chức danh, chỉ có hệ số lương cơ bản (khởi điểm phục vụ 1.0; bảo vệ 1.5; lái xe 2.05; hiện tại lương từ 1.706.050 đồng đến 5.339.937 đồng).

- Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân, Chi bộ Văn phòng đã thực hiện một số nội dung sau đây:

+ Chi ủy, đặc biệt là Bí thư Chi bộ thường xuyên quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh, đời sống của đảng viên, quần chúng trong Chi bộ để từ đó có biện pháp giúp họ tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn đối với những vấn đề vượt phạm vi thẩm quyền, qua đó giúp các đảng viên và quần chúng trong Chi bộ ổn định đời sống, yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.

+ Các đảng viên, quần chúng trong Chi bộ mạnh dạn đưa ra ý kiến, đưa ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để từ đó Chi ủy đặc biệt là Bí thư Chi bộ xem xét giải quyết hoặc kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết đối với những vấn đề vượt phạm vi thẩm quyền của đơn vị.

+ Chi ủy, đặc biệt là Lãnh đạo Văn phòng và bộ phận kế toán thực hiện chi tiêu đúng quy định; các đảng viên và quần chúng trong Chi bộ luôn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua đó, đời sống của các đồng chí lái xe, bảo vệ, phục vụ được nâng lên thông qua việc Chi ủy cũng như Lãnh đạo Văn phòng đề xuất đến Lãnh đạo hỗ trợ thêm cho các đồng chí này 500.000 đồng đối với lái xe và 1.000.000 đồng đối với bảo vệ, phục vụ.

Đồng thời, Chi ủy kết hợp với Lãnh đạo Văn phòng tạo mọi điều kiện để các đồng chí lái xe, bảo vệ, phục vụ có thêm thu nhập, thúc đẩy anh em hăng say công tác, lao động sản xuất. Cụ thể như: Hỗ trợ thêm khi thực hiện các nhiệm vụ khác ngoài nhiệm vụ chính được giao, mức được hỗ trợ mỗi tháng 1.000.000 đồng đối với các đồng chí có đăng ký làm thêm các công việc khác ngoài công việc chính được giao. Từ đó, nâng dần thu nhập, đảm bảo cuộc sống của các đồng chí, giúp các đồng chí này yên tâm công tác. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho các đồng chí bảo vệ và lái xe nhận thêm nhiệm vụ tống đạt văn bản tố tụng khi ra ca trực, qua đó giúp các đồng chí có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Ngoài ra, Văn phòng phụ trách công tác hành chính quản trị, kế toán tài chính tại Tòa án tỉnh, thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng quy định; phối hợp với Công đoàn trong việc cho thuê căntin, qua đó cuối năm tiết kiệm được một khoản tiền để chia tăng thu nhập cho công chức và người lao động tại Tòa án tỉnh vào dịp tết âm lịch.

Thực hiện “chăm lo đời sống Nhân dân” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các đảng viên, công chức và người lao động trong Văn phòng còn thực hiện việc đóng góp quỹ hỗ trợ công đoàn; thực hiện thăm hỏi ốm đau và hỗ trợ anh em có hoàn cảnh khó khăn, giúp công chức và người lao động trong đơn vị ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, các đảng viên, quần chúng trong Chi bộ cũng đã có những giải pháp trong công tác, nhất là những vị trí việc làm có tiếp xúc với người dân như bộ phận tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện, đơn sao lục hồ sơ,... Luôn luôn thực hiện nhiệm vụ với tinh thần phục vụ, nhiệt tình, tận tậm lắng nghe, hướng dẫn đầy đủ để người dân hiểu và thực hiện đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân khi liên hệ làm việc tại Tòa án.

3. Giải pháp tăng cường hơn nữa việc chăm lo đời sống Nhân dân của đảng viên, công chức và người lao động Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

Để tăng cường hơn nữa việc chăm lo đời sống Nhân dân, Chi ủy và mỗi đảng viên, công chức và người lao động Văn phòng cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, Chi ủy cần duy trì việc quan tâm đến đời sống của các công chức và người lao động trong Chi bộ, kịp thời nắm bắt những khó khăn của đảng viên và quần chúng tại đơn vị để có những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo đời sống cho công chức và người lao động đơn vị mình quản lý. Bên cạnh đó, cần lồng ghép nội dung này trong các buổi sinh hoạt để mỗi đảng viên, công chức và người lao động trong đơn vị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân để từ đó mỗi đảng viên, công chức và người lao động trong đơn vị hiểu, học tập và làm theo Bác. Nhất là tinh thần và thái độ phục vụ Nhân dân, tránh gây phiền hà để người dân phải đi lại nhiều lần, gây tốn kém chi phí. Vấn đề nào nếu có điều kiện có thể giải quyết cho dân thì thực hiện ngay.

Hai là, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt định kỳ cũng như các buổi sinh hoạt chuyên đề trong Chi bộ; tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị thông qua các buổi sinh hoạt Chi bộ, họp Văn phòng nhằm xây dựng tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách trong Chi bộ.

Ba là, các đảng viên, công chức và người lao động Văn phòng phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cần tích cực suy nghĩ, sáng tạo để tìm giải pháp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.

Bốn là, Chi ủy, đặc biệt là Lãnh đạo Văn phòng và bộ phận kế toán có kế hoạch tham mưu cho lãnh đạo chi tiêu đúng quy định, tiết kiệm hơn để chi tiền tăng thu nhập cho công chức và người lạo động tại cơ quan vào các dịp lễ, tết hàng năm nhằm tạo động lực cho công chức và người lao động hăn say lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm là, mỗi đảng viên, công chức và người lao động Văn phòng cần nâng cao ý thức đối với việc tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; hỗ trợ, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chung./.