1. Mục đích, lý do việc chọn chuyên đề

Xuất phát từ tình hình thực tế trong quá trình sinh hoạt Chi bộ thường kỳ cũng như việc đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm cho thấy phần lớn đảng viên đều e ngại, không dám nói thẳng, nói thật vì sợ mất lòng, ngại đụng chạm, không dám đấu tranh phê bình hoặc có phê bình nhưng rất hạn chế, phê bình qua loa, chiếu lệ… Nhiều cuộc họp trở nên trầm lắng, chất lượng sinh hoạt không cao, ít có ý kiến đóng góp xây dựng.

Với trách nhiệm của người đảng viên muốn nói lên tiếng nói của mình, góp sức cùng xây dựng Chi bộ thay đổi các hình thức sinh hoạt sao cho đạt hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy, hành động, nếp sinh hoạt cũ của từng đảng viên đồng thời thấm nhuần việc học tập và làm theo tấm gương của Bác. Muốn làm được như vậy, trước hết, mỗi người đảng viên phải tự đấu tranh với bản thân mình, nhìn lại mình, nhìn lại người để học hỏi, phấn đấu. Chính vì lý do trên, tôi mạnh dạn chuẩn bị chuyên đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình của đảng viên trong sinh hoạt Chi bộ” để góp phần xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần bảo vệ hình ảnh người đảng viên trong thời kỳ hiện nay là phải giữ vững lập trường quan điểm rõ ràng, phẩm chất, đạo đức tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước đảng, trước dân. Đó là mục đích, lý do của việc chọn chuyên đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình của đảng viên trong sinh hoạt Chi bộ”.

2. Nội dung chuyên đề

Tự phê bình và phê bình là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, điều chỉnh những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ; tư tưởng chủ quan, nóng vội. Nói thẳng, nói thật, nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm… nhằm mục đích để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Phê bình và tự phê bình là để dân chủ trong Đảng tốt hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn. Bác thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”, chi bộ xem tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, tính nêu gương, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, làm rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất những biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.

Tuy nhiên, để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, thì tự phê bình và phê bình phải nghiêm túc, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ ưu điểm và khuyết điểm, có lý, có tình, mềm dẻo, khéo léo về cách thức để người có khuyết điểm nhận thấy khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, không “nhẹ trên, nặng dưới”. Biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình. Kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm…Làm tốt những điều này thì chất lượng tự phê bình và phê bình sẽ nâng lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phê phán những người thực hiện không đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người phân tích: “khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, như thế bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh. Phát hiện càng sớm, điều trị bệnh càng chóng khỏi; để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi không chữa nổi. Cha ông ta có câu: “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng”. Khen thì dễ nhưng “phê” thì rất khó. Ai cũng muốn được khen mà không muốn bị chê, chê là đụng chạm đến khuyết tật của con người, đụng chạm đến nó là sẽ đau. Chính vì thế trên thực tế, không ít người sợ bị phê bình và ngại phê bình người khác. Đó là một khuyết điểm.

Khi thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt, soi mói, “bới lông, tìm vết”. Bởi vì có dân chủ mới mong trong Đảng có nhiều sáng kiến, mới tập trung được trí tuệ. Mất dân chủ, khiến cho “các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình”. Lợi dụng phê bình để tranh cãi, gây mất đoàn kết hoặc khuyết điểm chưa rõ thì tìm cách che dấu…Những biểu hiện như vậy là không đúng, trái với quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, như thế làm cho tính chiến đấu, dân chủ giảm sút, năng lực lãnh đạo, chất lượng sinh hoạt đảng của chi bộ không thiết thực, những khuyết điểm của tổ chức đảng chậm được phát hiện.

Chi bộ “tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân” trong tự phê bình và phê bình. Mục đích nhằm chỉ ra những điểm mạnh để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa khắc phục, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Chi bộ. Thực hiện “nêu gương tự phê bình và phê bình”, Chi bộ không phê bình chung chung, xuê xoa, chiếu lệ. Bí thư Chi bộ phải nghiêm túc chỉ ra những ưu, khuyết điểm của từng đảng viên, đồng thời phát huy ý thức tự giác, dân chủ để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó, Chi bộ phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, từng đảng viên trong Chi bộ phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng, các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên và Nghị quyết của Chi bộ, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trên vị trí công tác của mình. Phê bình và tự phê bình được tiến hành một cách kịp thời sẽ hạn chế khuyết điểm, không để đảng viên vi phạm kỷ luật, khích lệ mọi đảng viên trong Chi bộ phát huy được tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến, phê bình sự lãnh đạo của người đứng đầu Chi bộ cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

3. Thực trạng công tác phê và tự phê bình ở Chi bộ.

Công tác phê bình và tự phê bình ở Chi bộ hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, một số Đảng viên còn nể nang, ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt Chi bộ. Việc phát biếu ý kiến chỉ tập trung vào đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, còn một số đảng viên còn lại rất ít phát biểu trong các kỳ sinh hoạt Chi bộ. Qua đó cho thấy tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình của đảng viên còn hạn chế, chưa nêu cao tính xây dựng, tính chiến đấu của người đảng viên. Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do tư tưởng “ngại va chạm”, tính thụ động, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên chưa cao.

4. Giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Chi bộ

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Chi bộ một cách nghiêm túc, hiệu quả, cần làm tốt một số vấn đề sau:

- Từng đảng viên cần tích cực nghiên cứu, nêu cao tinh thần học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình đối với từng cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê  bình giúp nâng cao bản lĩnh chính trị của người đảng viên.

- Thực hiện nền nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cần phải luôn động viên các đảng viên phát huy tính chủ động, mạnh dạn trong đóng góp ý kiến.

- Đội ngũ đảng viên cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người cán bộ, công chức, công dân mẫu mực, nghiêm chỉnh chấp hành và tuyên truyền, thuyết phục nhân dân thực hiện nghị quyết của tổ chức đảng. Thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ cả về lý luận lẫn thực tiễn./.

Chi bộ Phòng TCCB,TT&TĐKT